THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 50/a


PHẦN V:     THỐNG NHẤT

“Chính qua cuộc đấu tranh nhằm thống nhất một cách hợp lý cái đa dạng mà đã đạt được những thành công lớn nhất, dù rằng chính ý đồ đó có thể gây ra những nguy cơ lớn nhất để trở thành con mồi của ảo vọng”.
A. Anhxtanh

“Người nhìn thấy cái đa dạng mà không thấy cái đồng nhất thì cứ trôi lăn trong cõi chết”.
Upanishad


 CHƯƠNG IX: LỜI "LẢM NHẢM" SAU CÙNG

 

“Điều gì đã thổi sức sống vào các phương trình và làm cho chúng có thể mô tả Vũ Trụ?”
Stephen Hawking

“Không có thiên tài nào mà không pha lẫn sự điên rồ trong đó”
Arixtốt
“Thiên tài khác ngu ngốc ở chỗ thiên tài có giới hạn”
A. Anhxtanh
“Nếu thực tại không tương đồng với lý thuyết, hãy thay đổi thực tại”
                                                                        A. Anhxtanh
“Có thật nhiều thứ để tìm hiểu, nhưng cũng thật ít thứ đã được tìm hiểu thấu đáo”
Robert A. Heinlein


Đã điên rồ thì chắc chắn thường làm những điều ngược ngạo và ngu ngốc rồi. Nhưng không phải chỉ có điên rồ mới làm những điều ngược ngạo, ngu ngốc. Nghĩa là thiên tài đôi khi cũng làm những điều ngu ngốc và trái lại ngu ngốc chưa hẳn đã điên rồ!
Tuy nhiên, một cách tương đối, có thể gộp điên rồ và ngu ngốc vào một cái tên chung: rồ dại. Thường thì nhiều người nghĩ rằng một kẻ có ý nghĩ và hành động rồ dại là kẻ không có lý trí hoặc mất hết lý trí. Nghĩ như vậy là không đúng. Theo chúng ta, người rồ dại (hoặc đang ở trạng thái rồ dại) là người thiếu hẳn hoặc mất hết sự tự giác, tỉnh táo trong suy nghĩ và hành động, hay cũng có thể nói, là người đã bị suy giảm nghiêm trọng lý trí, thậm chí là đến mấy hết lý trí, nhưng không phải là đã mất hết ý chí. Lý trí và ý chí là hai thứ khác nhau, trong lý trí có ý chí và trong ý chí có lý trí. Dù có những suy nghĩ và hành động gàn dở, ngược đời, thì không phải vì thế mà cho rằng người rồ dại không còn lý trí. Người rồ dại vẫn sống có lý trí, chỉ có điều lý trí ấy so với chuẩn mực qui ước thông thường, được đánh giá là khác thường, có ý chí không tỉnh táo, mê sảng, u muội…Đã là con người thì phải có lý trí. Có thể nói lý trí là ý chí đã ít nhiều bị tính chủ quan lũng đoạn.
Thường, chúng ta đều cho rằng những ý tưởng và hành động mang tính sáng tạo chỉ có thể có ở những người bình thường (không rồ dại), có ý chí mà sự lũng đoạn của tính chủ quan đã giảm thiểu, tức là đã có lý trí tỉnh táo và hơn nữa là vào những lúc lý trí đó trở nên sáng suốt cao độ. Điều đó có vẻ như không còn phải bản cãi nữa vì trong đời sống hàng ngày luôn xảy ra như thế và hơn nữa, dường như đã được xác nhận hoàn toàn bởi lịch sử phát triển khoa học. Có lý trí thì có sáng tạo! Tuy nhiên, nếu soi xét kỹ thì thấy nhận định đó không chính xác. Thật ra, hiện tượng sáng tạo ở những lý trí tỉnh táo chỉ mang tính phổ biến thông thường chứ có khi cũng từ ý chí, mang tính đột xuất, bất ngờ.

Nếu coi sự sáng tạo là làm xuất hiện cái mà trước đó chưa từng xuất hiện, chưa từng có, nhằm thỏa mãn mục đích nào đó của chủ thể tạo dựng thì sự sáng tạo không phải chỉ riêng ở loài người mới có. Sáng tạo bao hàm đổi mới, nghĩa là không có đổi mới thì không có sáng tạo. Trong thế giới sinh vật, nếu không có sự đổi mới, nếu không có hiện tượng xuất hiện cái mới mà trước đó chưa từng có thì cũng không thể có quá trình tiến hóa thích nghi và do đó, bản thân thế giới sinh vật đã phải chấm dứt tồn tại ngay từ thời trứng nước xa xưa. Chính cái đặc tính được chúng ta nêu lên thành nguyên lý gọi là tác động - phản ứng đã làm cho các thực thể, dù là vô tri vô giác, cũng luôn có xu thế “cố gắng” bảo toàn và duy trì sự tồn tại của chúng. Hiện tượng ấy, trong thế giới sinh vật được thấy dưới dạng “cố gắng” để sống còn. Ở mức tri giác cao hơn, sự “cố gắng” ấy trở nên gay gắt hơn, quyết liệt hơn, đòi hỏi phải đổi mới, sáng tạo và được gọi dưới cái tên “hành động tự giác sáng tạo trong đấu tranh sinh tồn”. Vì vậy mà đấu tranh sinh tồn là quy luật nòng cốt, cơ bản bậc nhất đối với sự tồn tại và duy trì tồn tại của thế giới sinh vật. Chính quy luật này đã chi phối đời sống sinh vật, là tiền đề làm xuất hiện quá trình tiến hóa thích nghi hoạt động một cách phổ biến và xuyên suốt lịch sử tồn tại của thế giới sinh vật, trong đó có cả loài người. Có thể nói quá trình tiến hóa thích nghi ở mỗi giống loài sinh vật là một quá trình tự phát sáng tạo vì kết quả của quá trình đó là làm xuất hiện cái mới, cái chưa từng có trước đó và mục đích của nó là giúp cho bản thân giống loài tăng cường khả năng duy trì sự sống còn. 
Loài người cũng không nằm ngoài tình hình chung ấy. Nhờ có sáng tạo mà loài người mới tiến lên được văn minh. Hay có thể nói, tiến lên văn minh là hướng đi tất yếu của xã hội loài người. Nhưng ở loài người, vì tư duy đã là một đặc điểm nổi bật đến độ có thể cho rằng chỉ ở loài người mới có nên sự sáng tạo ở loài người cũng trở nên đặc thù, độc đáo, có thêm tính tự giác: sáng tạo gắn liền với tư duy nhận thức và là kết quả của tư duy nhận thức, đồng thời cũng là một “bệ phóng” quan trọng trong việc nâng tầm cho tư duy nhận thức. Tư duy nhận thức càng sâu rộng bao nhiêu thì thành quả sáng tạo càng trở nên tinh vi, tuyệt diệu bấy nhiêu và ngược lại, thành quả sáng tạo càng tinh vi, tuyệt diệu bao nhiêu thì càng làm cho tư duy nhận thức nâng tầm sâu rộng lên bấy nhiêu.
Như vậy, ở loài người nhìn chung, không có lý trí tỉnh táo hay gọi nôm na là “sự khôn ngoan” thì không có sáng tạo, mà đã không có quá trình sáng tạo từ thấp đến cao thì xã hội loài người cũng không có được một trình độ văn minh như ngày nay. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được rằng, dù là cá biệt và có phần hiếm hoi, có vẻ ngẫu nhiên, thì không phải không có những sáng tạo được tạo ra bởi ý chí rồ dại (lý trí khác thường), mà thuở ban đầu, theo số đông đánh giá là mù quáng, mê sảng, lạc lối hay chí ít, thì cũng có khởi đầu hình thành từ những lý trí loại ấy (gọi nôm na là sự rồ dại), góp phần vào sự phát triển nền văn minh nhân loại. Thậm chí, nếu xét theo một nhãn quan khác (không theo định kiến số đông hoặc thông lệ!), phải cho rằng dù là ít ỏi thì cũng có những sáng tạo loại đó (có tính rồ dại) đã tác động thực sự cách mạng, bất ngờ, mang tính đột phá làm chuyển biến mạnh mẽ quan niệm của nhân loại về thực tại khách quan và qua đó đồng thời tạo bước tiến nhảy vọt trong quá trình phát triển lên tầm cao nhận thức, lên văn minh.
Đã bị coi là rồ dại thì…không còn lời để nói! Nhưng để cho vui, có thể phân chia sự rồ dại ra thành hai dạng tương đối: dạng có căn nguyên bệnh lý phi trí tuệ (gọi tắt là rồ dại bệnh lý) và dạng có căn nguyên trí tuệ (hay còn gọi là rồ dại vượt tầm trí tuệ). Dù là có căn nguyên bệnh lý hay phi bệnh lý thì sự rồ dại không phải là không có lý trí, chỉ có điều, đó là lý trí không mạch lạc, bất thường, mang nặng mê sảng và bất chấp lôgic (chúng ta hiểu bất chấp lôgic là không coi trọng lôgic trong lập luận, thường có vẻ phi lôgic, không hình dung được, nhưng nhiều khi lôgic hơn cả lôgic!). Nói cách khác, người rồ dại vẫn là “một con người tư duy” dù sự tư duy đó được đánh giá là lệch lạc, bất bình thường. Nhưng chính cái biểu hiện lệch lạc, bất bình thường về tư duy đó lại mách bảo rằng, ở những người rồ dại cũng đã lấp ló mầm mống về sự sáng tạo rồi. Rõ ràng là không hề toát ra một chút tính sáng tạo nào từ những suy tư và hành động theo lệ thường, cho nên phải thừa nhận những ý tưởng và hành vi của những người rồ dại là có tính sáng tạo, vì đó chính là kết quả của một tư duy theo một lôgic khác lạ, không theo qui ước thông lệ (theo lôgic đã được số đông thừa nhận), và bị số đông cho là ngược đời, lập dị, mê sảng. (Nhớ là không nên đánh đồng sự sáng tạo thực sự (có chủ đích) với tính sáng tạo, “hơi hướng” sáng tạo, “mầm mống” sáng tạo…!). Cho nên Arixtốt mới nói: “Không có thiên tài nào mà không pha lẫn sự điên rồ trong đó”.
Về mặt hình thức, rồ dại có căn nguyên bệnh lý và rồ dại không có căn nguyên bệnh lý là tương tự nhau, nghĩa là đều bị đánh giá có lối tư duy và hành vi bất bình thường, ngược đời,và nhiều khi “không ai hiểu nổi”. Tuy nhiên, về mặt bản chất, giữa hai dạng rồ dại đó, có sự khác biệt sâu sắc. Nếu ở dạng rồ dại bệnh lý, những ý tưởng, hành vi dị thường là kết quả của lý trí mù quáng do tư duy bị rối loạn, đứt quãng, thì ở dạng rồ dại trí tuệ, thường xuất hiện những ý tưởng và hành vi dị thường, bất ngờ, và là kết quả của sự bùng phát lý trí, lý trí đột nhiên bùng nổ chói lòa, khai mở con đường mới cho tư duy đang bị cuồng loạn, bị ức chế bởi bế tắc…Đó phải chăng là tiền đề của khám phá, phát minh? Có thể nói, không có tư duy thì không có chủ động sáng tạo, không có sáng tạo thì không có khám phá, phát minh, không có khám phá, phát minh thì loài người hôm nay đang ở đâu, đã thoát khỏi "ăn lông, ở lỗ" chưa?
Tư duy là một quá trình vận động sinh học cực kỳ phức tạp. Đến tận ngày nay, bản chất đích thực của nó vẫn là một bí ẩn lớn đối với khoa học. Có lẽ vì vậy mà rất khó đánh giá xác đáng một tư duy vẫn tỉnh táo hay đã rồ dại, trừ những trường hợp cụ thể, có vẻ đã rõ ràng và được y học xác định dựa trên những trắc nghiệm cũng như những định ước mang tính thống kê về sự tổn thương, rối loạn một cách trầm trọng, rất khó hoặc không thể hồi phục lại bình thường được của bộ não. Ở đây chúng ta không quan tâm tới những đánh giá về trạng thái hoạt động của bộ não bình thường hay không bình thường theo chuẩn đoán chuyên môn sâu của y học thần kinh cũng như sự định ước về mức độ “khôn - ngu” theo tiêu chuẩn “định lượng” của nó (hệ số IQ). Cần biết rằng một người bị đánh giá là rồ dại chưa chắc đã rồ dại, mà chính sự đánh giá mới rồ dại! Con người thường đi theo lối mòn vì thừa nhận lối mòn là hợp lý. Nhưng họ biết đâu rằng có những lối mòn thuở ban đầu được khai mở từ những ý tưởng hoàn toàn rồ dại!
Thực ra từ nãy đến giờ chúng ta cũng đâu có bàn luận về những biểu hiện tương phản nhau về mặt trí tuệ trong hoạt động tư duy của con người theo định ước chuyên môn của y học thần kinh (vì chúng ta không có khả năng theo hướng ấy), hơn nữa, không biết theo hướng ấy để làm gì?!), mà theo tinh thần suy lý triết học (ở mức độ thô phác) và chỉ lấy định kiến xã hội (nặng cảm tính chủ quan) làm cơ sở đánh giá tương đối mê sảng hay sáng suốt, rồ dại hay tinh tường, ngu muội hay khôn ngoan… đối với một tư duy hay hành vi có lý trí, nhằm mục đích… mua vui cho cuộc “trà dư tửu hậu” mà thôi. Vui, nhưng... không hề chê trách và khinh khi ai cả. Vì...biết đâu đấy(!?)
Đến đây, dựa trên tiêu chuẩn nói chung đã được định ước bởi thành kiến xã hội (ý kiến của số đông) chúng ta có thể phân những biểu hiện của tư duy về mặt trí tuệ thành hai loại cơ bản có tính tương phản nhau là “khôn” và “ngu” đối với trường hợp hoạt động tư duy ở mức độ bình thường (nghĩa là trong phạm vi nhận thức xã hội đương thời nói chung còn có thể hiểu được). Trong trường hợp hoạt động tư duy đạt đến tình trạng bị kích thích lên cao độ đến mức tột độ, làm xuất hiện những ý tưởng thực sự mới lạ, khó ngờ tới, vượt khỏi phạm vi nhận thức nói chung của xã hội đương thời, thì cặp tương phản lưỡng nghi khôn - ngu sẽ chuyển biến thành cặp lưỡng nghi thiên tài - rồ dại. Tình trạng hoạt động tư duy ở mức độ nào cũng xuất hiện những ý tưởng sáng tạo (vì sáng tạo là một yêu cầu có tính thường xuyên đối với tư duy nhận thức trên bước đường mưu sinh, đảm bảo và tăng cường khả năng sống còn của mỗi con người nói riêng và của cả loài người nói chung). Một cách tương đối, nếu gọi sự sáng tạo xuất hiện trong quá trình tư duy ở trạng thái bình thường là “sáng tạo tự nhiên” thì có thể gọi sự sáng tạo xuất hiện trong quá trình tư duy ở trạng thái bị kích thích, ức chế cao độ là “sáng tạo cưỡng bức”. Nếu sáng tạo tự nhiên được cho là kết quả của tư duy lôgíc, được định kiến khoa học đương thời nhanh chóng và dễ dàng thừa nhận, thì sáng tạo cưỡng bức là kết quả của tư duy bất chấp lôgíc, mâu thuẫn với định kiến khoa học đương thời, vì thế mà nếu có xác đáng thì cũng thường rất khó được thừa nhận cũng như rất lâu mới được thừa nhận. Lịch sử nhận thức Tự Nhiên Tồn Tại của nhân loại cho thấy sáng tạo tự nhiên đóng vai trò chủ yếu trong việc duy trì sự tiến bộ không ngừng và đều đặn của khoa học, còn sáng tạo cưỡng bức chủ yếu đóng vai trò tạo bước ngoặt, tác động có tính cách mạng, làm cho sự tiến bộ khoa học phát triển một cách đột biến và bùng phát sau đó.
Với quan niệm đó, phải chăng sáng tạo cưỡng bức là sáng tạo của những bậc thiên tài? Không phải! Phải cho rằng chỉ có một phần (dù có thể là phần nhiều hơn) sáng tạo cưỡng bức là của thiên tài, phần còn lại chính là của… ngu ngốc (hay rồ dại). Sự sáng tạo do rồ dại đôi khi có giá trị hơn hẳn sự sáng tạo do thiên tài!
Trả lời như thế nghe thật… “sốc”. Nhưng hãy bình tĩnh mà ngẫm nghĩ lại. Đến nay, rất nhiều người vẫn cho rằng thiên tài xuất hiện là một ngẫu nhiên, thiên tài của một người là may mắn, tự nhiên mà có. Nghĩ như vậy là phạm vào nguyên lý nhân - quả, một trong những nguyên lý phổ quát nhất của Tự Nhiên: mọi tồn tại đều là kết quả của sự tạo thành. Do đó, thiên tài cũng không thể ngoại lệ, phải có nguyên nhân làm xuất hiện nó. Theo chúng ta quan niệm thì thiên tài được hun đúc nên bởi nhiều yếu tố, chủ yếu là thành quả của quá trình nung nấu về mặt trí tuệ trong hoạt động tư duy và tương tác thần kinh có qui mô xã hội (mà khoa học ngày nay chưa nhận diện được về mặt bản chất nên đã phải qui cho cái gọi là “tâm linh” đầy màu sắc huyền bí). Và rồ dại chủ yếu cũng là kết quả của một bùng phát về tư duy, một cuộc giải thoát của tự do khỏi xiềng xich ràng buộc của khối nhận thức cũ. Rốt cuộc, có thể phân định sự sáng tạo cưỡng bức thành hai loại: sáng tạo thiên tài và sáng tạo rồ dại. Sự phân định thiên tài - rồ dại hoàn toàn dựa vào qui ước. Qui ước ấy, vì cũng được thiết lập trên cơ sở nhận thức hiện thực khách quan nên cũng hàm chứa tính khách quan, nhưng bản thân nhận thức là chủ quan, bị khống chế bởi một lý trí chủ quan duy ý chí luôn túc trực trong tiềm thức nên đồng thời sự phân định ấy cũng bị bao trùm bởi tính chủ quan. Khi nói một trí tuệ thiên tài thì không phải lúc nào và trên bất cứ lĩnh vực nào cũng tỏ ra thiên tài. Một con người được đánh giá thiên tài không có nghĩa là thiên tài về mọi mặt mà thường vẫn có những mặt, những lúc tỏ ra tầm thường như mọi người khác trong xã hội, thậm chí còn bị cho là có những hành vi hoàn toàn ngu ngốc. Mặt khác, một người bị đánh giá là ngu ngốc, rồ dại lại nhiều khi không hề ngu ngốc, rồ dại mà chính sự đánh giá đã mê lầm do bị khống chế bởi chủ quan bảo thủ, nghĩa là bởi niềm tin đầy ý chí (lý trí hòa lẫn với mù quáng!), có phần cực đoan vào tính đúng đắn của lý trí mình.
Bảo thủ, hay nhiều người còn gọi là “sức ỳ tâm lý” gần như (hay đúng là?) một đặc tính của bộ não trong tư duy nhận thức. Nhờ bảo thủ mà tư duy nhận thức có lý trí. Nhờ có lý trí phát triển mà nhận thức tự nhiên ngày một tiến bộ. Nhưng bảo thủ cũng đồng thời làm xuất hiện sự chủ quan duy ý chí, khuynh đảo lý trí để rồi ý chí, đến lượt nó, ít nhiều gây ra sự cản trở, kìm hãm quá trình phát triển của nhận thức về thực tại khách quan. Khi đã nhận thức được tính “lá mặt lá trái” ấy của bảo thủ thì có thể khắc phục đến mức tối đa sự lũng đoạn của chủ quan đối với nó để hạn chế tối đa sự tác động tiêu cực của nó đến quá trình nhận thức. Tuy nhiên, không thể “giũ sạch” được “sức ỳ tâm lý”, cái làm nên sự bảo thủ ra khỏi tư duy lý tính vướng víu chủ quan (ý chí) được.Thí dụ Cơ học Niutơn, một thời được coi là nền tảng chân lý trong vật lý học. Không ai được quyền mà phản bác nó nhưng dựa vào nó, loài người đã không giải thích được vì sao sự tổng hợp vận tốc không thể lớn hơn c (vận tốc cực đại Vũ Trụ) mà phải đợi thuyết tương đối (hẹp) của Anhxtanh (cho đến ngày nay, một số biểu hiện chứng tỏ Anhxtanh cũng sai nốt!). Hay học thuyết Mác-Lênin về Chủ nghĩa cộng sản, đã từng được một bộ phận lớn dân chúng coi là "mặt trời chân lý" soi đường cho loài người tiến bước trong thế kỷ XX, rất nhiều người đã hiến dâng trọn đời cho nó, đặt trọn niềm tin vào nó. Nhưng thử hỏi, đến nay nó còn là chân lý không? Niềm tin "sắt đá" nhiều khi lại là biểu hiện của sự thủ cựu, bảo thủ...chúa!
Chúng ta đều biết, quá trình nhận thức thực tại khách quan của loài người nói riêng hay của một loài nào đó biết tư duy nói chung, là quá trình tìm hiểu từ gần đến xa, từ hẹp đến rộng, từ nông cạn đến sâu sắc, từ trực giác đến suy tưởng. Điều đó cho thấy sự hình thành nên nhận thức mới bao giờ cũng bắt đầu trên cơ sở nhận thức cũ - những nhận thức của quá khứ đã được thừa nhận là chân lý, được đúc kết lại thành kiến thức, thành khoa học của loài người đương thời. Có thể nói, “ôn cố tri tân” (ôn lại kiến thức cũ để tìm hiểu cái mới) là con đường duy nhất, là độc đạo của sự phát triển nhận thức đến ngày một sâu rộng. Chính vì vậy mà khi một nhận thức mới ra đời và được thừa nhận đúng đắn thì đó là thành quả đồng thời của sự kế thừa và sáng tạo. Hiển nhiên rằng, không có quá khứ thì không có tương lai, không có cũ thì không có mới, do đó mà muốn sáng tạo khoa học thì trước hết phải kế thừa kiến thức, và sáng tạo mới chỉ có thể xảy ra trên cơ sở đã kế thừa kiến thức ấy, đã "thuộc làu" kiến thức ấy. Nhưng chính sự kế thừa cũng đồng thời làm cho sự chủ quan bảo thủ trở thành một thế lực gây cản trở mạnh mẽ đến sáng tạo, nhất là đối với những sáng tạo có tính đột phá: Vì sao vậy? Vì khi một khám phá khoa học đã trở thành kiến thức nhân loại của một thời đại thì nó cũng hàm chứa một sự bảo thủ, một niềm tin khoa học mù quáng (tín ngưỡng khoa học) của thời đại đó.
Tóm lại, kiến thức khoa học đương thời là thành quả đã được đúc kết lại một cách cô đọng và có hệ thống những nhận thức của quá khứ về thực tại khách quan, được thừa nhận là đúng đắn, là chân lý. Khi nghiên cứu khoa học trở thành con đường chủ yếu đi nhận thức thực tại khách quan, thì bước đi đầu tiên của nó là phải tiếp thu, nắm vững kiến thức khoa học đương thời, lấy đó làm nền tảng cũng như làm phương tiện để bước tiếp những bước mới trong việc tìm hiểu khám phá những điều bí ẩn mà quá khứ chưa giải quyết được và cả những điều bí ẩn mới phát sinh. Vì nhận thức của quá khứ về thực tại khách quan còn thiển cận và nông cạn nên tất yếu nghiên cứu khoa học sẽ đến lúc vấp phải những bí ẩn cực kỳ nan giải làm dấy lên một nỗ lực chung trong giới khoa học để cố gắng tìm lời đáp. Kiến thức khoa học đương thời là tinh hoa nhận thức của loài người trong quá khứ và vì trước nhiều thử thách nó đã tỏ ra xác đáng nên cũng trở thành nhận thức chung vì được thừa nhận là duy nhất đúng của khoa học về tự nhiên. Khi kiến thức khoa học đương thời đã được tiếp thu trọn vẹn đến mức thấm nhuần thì nó cũng trở thành như một thứ “trực giác khoa học” đối với một nhà nghiên cứu khoa học, đến nỗi nhà khoa học hầu như không thể quan niệm được lại có thể có một nhận thức thứ hai nào đó khác với nhận thức do kiến thức khoa học đương thời đã chỉ ra, mà vẫn đúng đắn. Nghĩa là lúc này, kiến thức khoa học đương thời đã trở thành một chân lý hiển nhiên đối với nhà khoa học và đồng thời trong tâm trí nhà khoa học cũng bị ngự trị bởi cái gọi là “đức tin khoa học” có tính mù quáng vào kiến thức ấy. Chính cái đức tin có tính vô điều kiện và mù quáng đó đã tạo ra sự bảo thủ của nhà khoa học trong công việc nghiên cứu khoa học của mình. Đến đây, chúng ta đã dễ dàng hiểu được vì sao mà trong lịch sử nghiên cứu khoa học, khi phải nỗ lực khám phá những bí ẩn nan giải còn tồn đọng từ thời quá khứ hay mới phát sinh, các nhà khoa học thường vẫn tìm hướng giải quyết trong phạm vi phù hợp với kiến thức đương thời, hoặc nếu bất đắc dĩ phải đặt những giả thuyết, ý tưởng mới có tính mở rộng kiến thức cũ để tạo điều kiện giải thích rốt ráo hiện tượng thì những thứ ấy cũng phải được quan niệm trên tinh thần cơ bản của kiến thức cũ và đặc biệt là phải đảm bảo không được mâu thuẫn với kiến thức cũ. Phải cho rằng quá trình nghiên cứu khoa học theo hướng này cũng không thiếu những ý tưởng và phát kiến sáng tạo. Nhưng những sáng tạo đó thuộc loại mà chúng ta tạm gọi là những hệ quả rút ra được từ kiến thức khoa học đương thời và có tác dụng bổ sung, làm cho kiến thức ấy trở nên hoàn thiện hơn ở mức độ nhận thức đã định hình của nó.
Thế nhưng, có những bí ẩn lớn lao và hóc búa đến nỗi cho dù các nhà khoa học đã cố gắng hết mức, đã áp dụng mọi phương cách có thể trong phạm vi kiến thức khoa học đương thời, vẫn không thể nào giải quyết được. Tình hình ấy tất yếu đặt ra đòi hỏi khách quan là phải có một bước đi giải tỏa, mang tính đột phá trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, để có được bước đi ấy không phải là chuyện dễ dàng, một sớm một chiều. Chính cái niềm tin khoa học đã biến tướng thành đức tin khoa học - một thứ tín ngưỡng giáo điều, vào kiến thức khoa học đương thời được cho là chân lý bất di bất dịch về thực tại khách quan (mà thực ra chỉ là về hiện thực khách quan có phạm vi bị hạn định trong tầm năng lực quan sát và nhận thức chủ quan của quá khứ); đã trở thành một thế lực mạnh mẽ ngăn cản sự triển khai của bước đi đột phá ấy. Cũng chính vì vậy mà trong buổi đầu dò dẫm tìm cách đột phá những bí ẩn làm ách tắc sự phát triển của nhận thức khoa học, những ý tưởng hay suy lý nào tỏ ra “xa lạ” với “thánh đường” kiến thức khoa học đương thời, với “trực giác khoa học” của thời đại đều bị coi là vô lý, thậm chí là ngớ ngẩn, rồ dại và không thể chấp nhận được.
Khi những ý tưởng và suy lý thực sự hàm chứa chân lý và có tính cách mạng nhưng vì quá mới lạ nên bảo thủ khoa học không thể tiếp thu được và do đó cũng làm cho chúng nhanh chóng bị thui chột trong trứng nước, thì đồng thời cũng tồn tại hiện tượng lẩn quẩn, hoang mang mất phương hướng trong nghiên cứu khoa học. Tình hình bế tắc đó gây nên nỗi bức xúc ngày một căng thẳng, nung nấu sự nỗ lực tìm tòi nghiên cứu sâu rộng hơn nữa trong khoa học và trở thành một động lực chính yếu làm xuất lộ thiên tài tại một thời điểm gọi là chín muồi nào đó trong tương lai, đóng vai trò như một thiên sứ đứng ra giải quyết rốt ráo bí ẩn khoa học của thời đại, đồng thời tạo điều kiện hình thành một kiến thức khoa học mới trên nền tảng quan niệm mới về Tự Nhiên đích đáng hơn kiến thức khoa học cũng như quan niệm cũ, nghĩa là mở ra một hiện thực khách quan sâu rộng hơn cho quan sát và nhận thức mà hiện thực khách quan bị hạn chế bởi trình độ quan sát và nhận thức của quá khứ chỉ còn là bộ phận của nó.
Ở một mức độ nhìn nhận nào đó, có thể cho rằng sự xuất hiện thiên tài khoa học tại thời điểm đã định để giải tỏa bế tắc khoa học của thời đại là ngẫu nhiên và đột phá kiểu “đùng một cái”. Nhưng nếu xem xét kỹ thì đó là hiện tượng có tính tất yếu, là kết quả của một quá trình kế thừa, trăn trở, hun đúc, trong hoạt động khoa học của tập thể con người nói chung đồng thời với của cá nhân con người nói riêng, bằng con đường trực tiếp dạy và học cũng  như bằng con đường gián tiếp tâm linh (ở đây, tâm linh được hiểu là những hiện tượng con người chưa hiểu được, có tính thần thánh nhưng không phải do thần thánh vì làm gì có thần thánh!).
Khi khoa học lâm vào khủng hoảng trầm trọng vì bế tắc không giải quyết được bí ẩn thời đại trên cơ sở phải tuân thủ những quan niệm của kiến thức khoa học đương thời, thì niềm tin tuyệt đối vào kiến thức ấy cũng bắt đầu lung lay. Một số nhà khoa học đã tìm lại những ý tưởng và suy lý đã từng bị bảo thủ khoa học loại bỏ trước đây nhưng bắt đầu hé lộ những nét hợp lý để nhìn nhận, xem xét lại. Chúng ta cho rằng thiên tài hơn người thường ở chỗ nhạy bén thấy được cái cốt lõi, tinh túy hợp lý trong cái vẻ bề ngoài phi lý, không hợp lôgic của những ý tưởng, suy lý đi tiên phong và hơn nữa, thấy được mối liên hệ qua lại ẩn chứa điều lớn lao mà những người khác không thấy được hoặc thấy như là những thể hiện có tính tình cờ, ngẫu nhiên, hình thức, kỳ quặc. Từ đó mà thiên tài cũng rút tỉa ra được những tinh túy từ những ý tưởng bị quan niệm chính thống liệt vào hàng lầm lạc, ngớ ngẩn, hoang tưởng và thậm chí là hoàn toàn điên rồ, để làm cơ sở ban đầu xây dựng nên một lý thuyết mới hoàn chỉnh, tổng quát hơn lý thuyết cũ (thường là nhận lý thuyết cũ là bộ phận, là trường hợp riêng của nó), và do đó cũng xác đáng hơn lý thuyết cũ.
Khi lý thuyết mới của thiên tài (hoặc rồ dại!) được thừa nhận rộng rãi một cách “không thể chối cãi được” nữa, thì cũng là lúc lý thuyết cũ phải nhường vai trò chính thống cho lý thuyết mới, nghĩa là lý thuyết mới trở thành quan niệm cơ sở của thời đại để từ đó loài người tiếp tục nhận thức trên bước đường tìm hiểu Tự Nhiên Tồn Tại của mình. Đến lúc này, những ý tưởng góp phần làm nên lý thuyết mới mà trước đó bị cho là ngu ngốc, điên rồ mới được nhìn nhận lại và được tôn vinh hết lời nào là có tính đột phá, đi tiên phong, vượt tầm thời đại, tiên tri, nào là mang nét kỳ diệu, xuất chúng, thiên tài…Trong giai đoạn chuyển hóa cuối cùng ấy, từ gã điên rồ biến thành đấng thiên tài chỉ còn vài bước chân!
Rõ ràng, nếu không có những ý tưởng khoa học (cả đúng lẫn sai) xuất hiện trước và bị đương thời đánh giá là ngu ngốc, điên rồ thì cũng không thể có lý thuyết mới của thiên tài, xuất hiện sau.
Đến đây, chúng ta mới thấy một điều thú vị: trong nghiên cứu khoa học, nhiều khi khó lòng phân biệt được một cách đúng đắn đâu là ngu ngốc, điên rồ, đâu là thiên tài, xuất chúng. Một người bị chê là điên rồ chưa chắc đã điên rồ mà chính những người đánh giá lại là ngu muội. Có thể, một người hôm nay là điên rồ thì ngày mai vụt thành thiên tài và ngược lại, cũng có thể một người hôm nay được tung hô là thiên tài thì ngày mai lại hóa ra ngu ngốc. Hỏi vui rằng, những lý thuyết vang bóng một thời như thuyết địa tâm, thuyết phlôgistôn, thuyết nguyên tử cổ đại… là thành quả mang dấu ấn của thiên tài hay ấu trĩ? Đây là câu hỏi thuộc “siêu phàm” nên câu trả lời cũng phải “siêu phàm”: Vừa thiên tài vừa ấu trĩ, là cả hai mà cũng không phải cả hai!
Trong kho tàng chuyện tiếu lâm có chuyện này: có một anh chàng áo quần bảnh bao, giày mới láng coóng đi dự tiệc. Giữa đường gặp một vũng lầy lớn không thể nhảy qua được. Xung quanh cũng không có một cái gì khả dĩ làm phương tiện để đi qua vũng lầy đó mà không bị ướt và vấy bẩn. Trong cơn bĩ cực một ý tưởng lóe trong đầu chàng ta: dùng tay mình túm tóc mình, tự nhấc mình lên đặt sang bên kia vũng lầy.
Đó là ý tưởng biểu hiện thiên tài hay điên rồ? Nếu hỏi một ngàn người, thậm chí một triệu người, thì ngay tắp lự, mọi người đều cho là điên rồ bởi vì nó phản khoa học. Nhưng phản khoa học ở chỗ nào? Đó là câu hỏi làm cho không ít người phải lúng túng.
Theo nguyên lý nhân quả: không có tạo dựng nào mà không có nguyên nhân. Ngay cả Tự Nhiên Tồn Tại cũng có nguyên nhân (chỉ có điều Tự Nhiên Tồn Tại vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của chính Nó). Suy ra từ nguyên lý đó thì một cách tuyệt đối, không thể có vật thể nào tự thân vận động được. Điều đó đúng với cả bản thân Vũ Trụ. Theo quan niệm của chúng ta thì vì Tự Nhiên vốn dĩ là Tồn Tại và chỉ là Tồn Tại, không thể xuất hiện Hư Vô bên cạnh Tồn Tại được. Muốn thế, Vũ Trụ phải vừa là vô hạn nhưng hữu biên, vừa là hữu hạn nhưng vô biên, là cả hai và đồng thời không phải cả hai. Bản tính “nước đôi” đó dẫn đến Vũ Trụ phải phân định tương phản thành hai thể ảo và thực để qui định lẫn nhau: Vũ Trụ ảo bao hàm, qui định sự tồn tại và vận động của Vũ Trụ thực và đồng thời ngược lại, Vũ Trụ thực bao hàm và qui định sự tồn tại và vận động của Vũ Trụ ảo. Tuy nhiên, xét ở một góc độ nhất định, Vũ Trụ là duy nhất và thống nhất cho nên nó cũng tự thân vận động (!).
Từ đó mà rút ra: mọi thực thể trong Vũ Trụ không thể tồn tại và vận động được nếu không thông qua tương tác với môi trường chứa chúng. Và hệ quả là một thực thể, một cách tuyệt đối, không thể tự thân làm chuyển động di dời bản thân nó, và cụ thể ở đây, anh chàng kia không thể tự thân nhấc mình qua vũng lầy được. Ý tưởng của anh ta, theo đánh giá xã hội,  rõ ràng là nếu không ngu ngốc thì cũng điên rồ!
Nhưng hãy xét ở góc độ khác! Vật lý học ngày nay quan niệm: không thể thay đổi trạng thái chuyển động của một vật nếu vật đó không bị tác động từ bên ngoài và chỉ có thế cho nên vật lý học vẫn cho rằng tự thân vận động là một hiển nhiên. Một mũi tên đang bay trong chân không, nếu không bị vật khác tác động thì nó cứ thế bay mãi một cách đều đặn và tuyến tính. Sự duy trì trạng thái chuyển động ấy theo vật lý học, chính là sự tự thân vận động của mũi tên. Hơn nữa, xét ở tầng vi mô, rõ ràng sự tồn tại của mũi tên được đảm bảo bởi sự tự thân vận động nội tại của nó. Như vậy trường hợp mũi tên đang bay dường như đã chứng thực tính đúng đắn của quan niệm vật lý học đó.
Tuy nhiên, nếu xem xét trường hợp một tên lửa hành trình đang bay trong chân không thì lại dường như vạch ra mâu thuẫn nội tại ẩn chứa trong quan niệm nêu trên của vật lý học. Lúc đầu, vì không bị tác động nào từ bên ngoài, nên tên lửa đang bay, cứ thế mà bay một cách thẳng đều. Do được cài đặt sẵn mà đến một lúc nào đó trong vận động nội tại của nó xuất hiện một phản ứng cháy nào đó tạo ra một luồng khí phụt ra không gian. Theo nguyên lý phản lực, trạng thái chuyển động của tên lửa buộc phải bị biến đổi. Nếu qui ước rằng khi mọi đặc trưng cơ bản về cấu tạo của tên lửa không hề thay đổi dù có phụt khí ra không gian thì lúc đó nó vẫn là nó. Nghĩa là tên lửa đã thực hiện được điều kỳ diệu: tự thân làm biến đổi trạng thái chuyển động của nó. Đến đây, ý tưởng của anh chàng nọ, xem ra đã bắt đầu lộ ra tính có lý. Thậm chí, nếu giả sử rằng, trong khi nhận thức đương thời “phì cười” trước ý tưởng đó, nhưng có một nhà khoa học nào đó đã suy  ngẫm thực sự nghiêm túc về nó và liên hệ đến hiện tượng quả bóng đang bay bị xì hơi để từ đó rút ra được kết luận về khả năng vật có thể tự thân đang ở trạng thái đứng yên chuyển sang trạng thái chuyển động di dời vị trí cũng có nghĩa là khám phá ra nguyên lý phản lực), thì không những phát kiến của nhà khoa học là một kiệt xuất, có tính thiên tài, mà còn nên coi cái ý tưởng bất thường tự túm tóc nhấc mình qua bãi lầy của anh chàng nọ như một gợi ý thách thức tư duy, mang tính tiên phong mở đường khám phá ra nguyên lý phản lực, làm ra máy bay trực thăng.
Từ ý nghĩ tự thân vượt qua vũng lầy tới phát minh ra máy bay trực thăng, xét theo phương diện nào đó, phải chăng là một sáng tạo thiên tài từ một ý tưởng rồ dại?  
Như vậy, khi Anhxtanh nói: “Thiên tài khác ngu ngốc ở chỗ thiên tài có giới hạn” thì chúng ta cũng có thể hiểu theo ý: sự ngu ngốc vượt giới hạn chính là mầm mống làm nảy nở ra thiên tài, và thiên tài chưa hẳn đã là giới hạn của trí thông minh!
Dù sao thì theo triết học duy tồn, quan niệm nêu trên của vật lý học chỉ đúng tương đối trong phạm vi đã qui ước mà thôi. Một cách tuyệt đối, nội tại của bất cứ thực thể nào cũng phải nhờ đến môi trường không gian, thông qua sự tương tác với môi trường không gian mà triển khai vận động. Mặt khác, nếu cho rằng khí tạo phản lực của quả tên lửa là thuộc về nội tại của nó thì khi luồng khí phụt ra môi trường không gian làm cho quả tên lửa biến đổi trạng thái chuyển động, nội tại của quả tên lửa cũng bị biến đổi theo (giảm khối lượng) và do đó quả tên lửa không còn là chính nó trước khi phụt khí nữa, hay có thể nói lúc đó, quả tên lửa của thời điểm trước khi phụt khí đã không còn tồn tại nữa. Còn nếu cho rằng khí phản lực không thuộc vật chất của quả tên lửa mà chỉ là vật chất khác được kí gửi vào nội tại quả tên lửa thì khi luồng khí phụt ra khỏi quả tên lửa, nó đã tác động đến quả tên lửa theo nguyên lý tác động tương hỗ và làm cho quả tên lửa biến đổi trạng thái chuyển động. Thí nghiệm giả tưởng sau đây sẽ làm sáng tỏ hơn vấn đề.
Có một vật hình vuông A đứng yên trong chân không và ngoài trường lực (hình 1/a). Vật A là sự hợp thành (chồng lên nhau) của hai hình chữ nhật B và C. Hai hình chữ nhật B và C liên kết với nhau bằng khớp bản lề L. Điểm cân bằng động hay quen gọi là trọng tâm của B và C lần lượt là O1 và O2. Hai điểm ấy qui định trọng tâm của A là O.
Hình 1: Sự tự thân vận động
Vì vật A đang trong trạng thái đứng yên nên điểm O cũng đứng yên. Muốn cho vật A chuyển động di dời vị trí thì phải tác động đến trọng tâm O.
Bây giờ, giả sử rằng do một nguyên nhân nội tại nào đó làm cho hai trọng tâm O1 và O2  bị tác động và rời xa nhau, nghĩa là hai vật B và C xoay quanh nhau nhờ khớp bản lề L. Hỏi rằng lúc đó, trọng tâm O có di dời trong môi trường chân không?
Theo vật lý học, đó là hiện tượng tự thân vận động của vật A. Dễ thấy rằng nguyên nhân của sự tự thân vận động ấy là do hai thành phần B và C của vật A tác động tương hỗ lẫn nhau. Sự tác động tương hỗ ấy làm cho O1 và O2 chuyển động với một động năng bằng nhau nhưng tương phản nhau về phương chiều. Nghĩa là sự tự thân vận động của vật A là một hiện tượng vận động cân bằng mà điểm cân bằng động chính là trọng tâm O. Có thể thấy, cho dù sự tự thân vận động của vật A làm cho nó biến dạng đến hình 1/b và cuối cùng định dạng ở hình 1/c nhưng trọng tâm O của nó luôn đứng yên trong chân không.
Tuy nhiên, nói chính xác ra vận động nội tại của vật A đã chấm dứt sự tồn tại của nó như vốn dĩ trước đó và đồng thời làm xuất hiện vật A’ ở hình 1/c với trọng tâm vẫn là điểm O.
Nếu không có bản lề L thì sự vận động tự thân của A sẽ được thấy không khác hiện tượng phản lực ở trường hợp quả tên lửa. Nếu gọi B (hay C) là quả tên lửa thì C (hay B) là luồng khí phản lực và quả tên lửa, do có sự tác động của luồng khí phản lực mà chuyển động di dời ra xa điểm qui chiếu đứng yên O. Còn nếu qui ước vật A vẫn tồn tại gồm sự hợp thành của B và C sau khi B và C rời xa nhau thì dù sự tự thân vận động của nó làm cho nó biến dạng, nó vẫn được cho là không hề di dời vị trí vì trọng tâm O của nó vẫn luôn đứng yên tại vị trí cũ, vị trí trước khi nó biến dạng.
Có thể kết luận: sự tự thân vận động của một vật chỉ mang tính tương đối. Sự vận động ấy có thể làm cho vật biến đổi hình dạng, biến đổi trạng thái cân bằng vận động nhưng tuyệt đối không làm cho trọng tâm của nó biến đổi trạng thái chuyển động trong không gian. Nói vui: sự tự thân vận động của một vật làm cho vật đó nếu có “đứng” thì cũng không “yên”.
Và thêm một kết luận vui khác: thiên tài chưa chắc là không điên rồ và điên rồ nhiều khi lại là thiên tài, hơn nữa thường thì điên rồ đóng vai trò đi tiên phong để vạch đường mở lối cho thiên tài và vì lẽ đó, thiên tài đích thực phải biết nể trọng điên rồ đồng thời cũng phải biết cảm ơn điên rồ.
Tại một buổi thảo luận (trong hội nghị quốc tế bàn về vật lý năng lượng cao, diễn ra tại Kiép (Ucraina) năm 1959) về thuyết thống nhất vật chất do nhà vật lý V. Pauli, người Thụy Sĩ đã trình bày ở Niu Oóc (Mỹ), nhà vật lý Bohr đã nhận xét: “Chúng ta đều thống nhất thuyết của ông (tức V. Pauli) quả là điên rồ. Nhưng vấn đề khác nhau giữa chúng ta (tức những người có mặt tại buổi thảo luận) ở đây là ở chỗ, thuyết đó đã đủ điên rồ để có khả năng trở thành một thuyết đúng chưa? Tôi có cảm tưởng là thuyết đó vẫn còn chưa đủ điên rồ”.
***
Tiếp theo, chúng ta “lượm lặt gần xa” vài ba mẩu chuyện tếu có liên quan đến vấn đề điên rồ - thiên tài cho vui đời.
1- KHÔNG NGU
Một bức thư đề ngoài phong bì: “Gửi cho viên luật sư ngu nhất thành phố”. Trong một thời gian dài không có vị luật sư nào chịu bóc thư. Cuối cùng, có lẽ vì không kiềm chế nổi sự tò mò nên cũng có một luật sư bóc thư ra. Trong thư là một tấm séc với khoản tiền lớn và mẩu giấy ghi dòng chữ: “Ông không đến nỗi ngu như ông tưởng”.
2 - ĐIỀU RẤT ĐƠN GIẢN
Có nhà báo hỏi Anhxtanh:
- Ngài đã ghi lại những suy nghĩ vĩ đại của mình bằng cách nào? Ngài có dùng sổ tay, vở ghi chép hay hệ thống phiếu?
- Bạn thân mến, những suy nghĩ thực sự đến trong đầu quá hiếm hoi. Vì thế mà nhớ chúng không khó lắm.
- Thế những phát minh làm đảo lộn thế giới đã xuất hiện bằng cách nào?
- Rất đơn giản! Ai cũng hiểu rằng làm điều đó là không thể được. Ngẫu nhiên có một tay ngu dốt lại không hiểu điều đó nên mới cho ra cái phát minh ấy.

3 - CHỮ LATINH VÀ CÂY CỎ
Thuở nhỏ, Các Linney thường bị các thầy giáo khiển trách. Có thầy giáo đã nói với bố của Các Linney: “Con trai ông không đủ khả năng để tiếp tục học. Chỉ tốn thời gian và tiền của thôi! Cậu ấy không có khiếu khoa học. Đáng lẽ phải học tiếng Latinh, cậu ta lại chỉ tìm cây cỏ dán đầy vào vở. Tốt hơn là ông nên cho con trai thôi học về nhà và tìm cho nó một nghề nào đó, chẳng hạn như nghề đánh giày…”
Về sau, cậu học trò “không có khả năng khoa học” Các Linney trở thành nhà sinh vật học người Thụy Điển kiệt xuất của thế giới.

4 - LỜI THÚ NHẬN MUỘN MÀNG
Năm 1807, Napôlêông tiếp nhà khoa học sáng chế nổi tiếng Phuntơn trong cung điện Tuylơn. Phuntơn khuyên vị hoàng đế nước Pháp trang bị cho hạm đội hải quân những tàu chạy bằng động cơ hơi nước. Napôlêông gạt phắt:
- Mỗi ngày người ta lại đưa đến cho ta hết dự án vô bổ này đến dự án nhảm nhí khác. Ngươi ra khỏi đây ngay! Chắc nhà ngươi cũng là một trong đám những kẻ điên rồ ấy!
Sau đó 8 năm, khi đứng trên chiếc thuyền của nước Anh chở mình đi đày đến đảo Xanh Êllen và thấy chiếc thuyền chạy bằng động cơ hơi nước của Mỹ mang tên “Phuntơn”, Napôlêông đã hối tiếc:
- Đuổi Phuntơn khỏi Tuylơn, ta mất ngai vàng!

5 -GIẤC MƠ THIÊN TÀI
D. Menđêlêép là nhà hóa học nổi tiếng thế giới. Ông tin rằng giữa các nguyên tố hóa học phải có mối quan hệ định tính và định lượng theo qui luật, nên chuyên tâm nghiên cứu sắp xếp chúng. Dù đã tốn rất nhiều công sức nhưng Menđêlêép vẫn chưa tìm ra được qui luật ấy. Một hôm, quá mệt mỏi bởi công việc tìm tòi, ông nằm vật xuống đi văng ngủ vùi, không cởi cả áo khoác. Thế rồi ông nằm mơ và trong cơn mơ đó ông thấy các nguyên tố hóa học được sắp xếp theo một thứ tự không thể hợp lý hơn. Choàng tỉnh dậy, Menđêlêép vội vã ghi chép lại tất cả những điều đã thấy trong mơ. Đó chính là bảng sắp xếp các nguyên tố hóa học mang tên ông: Bảng tuần hoàn Menđêlêép, mà trong kiến thức cơ bản về hóa học, nó là thứ không thể thiếu được.

6 - SỰ VINH QUANG SỚM SỦA
Vào một ngày cuối năm 1887, trong căn hầm nhà chung cư ở thành phố Cadan, nước Nga vang lên một tiếng nổ như đạn pháo. Kẻ gây ra tiếng nổ lớn đó là cậu học trò Xasa Bútlêrốp. Vì quá say mê hóa học nên cậu ta đã lén lút lấy căn hầm đó làm nơi thực hành các thí nghiệm. Chuyện đó đã làm cho Bútlêrốp bị phạt giam rồi còn bị bắt đeo một cái bảng có dòng chữ: “Nhà hóa học vĩ đại” ở trước ngực đi diễu qua phòng ăn của ký túc xá.
Không ngờ dòng chữ với ý đồ mỉa mai đó lại là một sự tôn vinh đến sớm. Bútlêrốp sau này đúng là một nhà hóa học lừng danh thế giới.

7 - LẤY VÀNG TỪ MẶT TRỜI
Nhà vật lý người Đức, Kiếchôph có lần giảng về cấu tạo Mặt Trời và chỉ ra những vành đen trong quang phổ của nó chính là biểu thị về vàng. Một tay tư bản ngân hàng ngồi nghe, bỗng hỏi:
- Thứ vàng đó có lợi lộc gì khi không thể lấy nó từ Mặt Trời?
Sau đó ít lâu, nhờ phát minh phân tích phổ Mặt Trời mà Kiếchôph được tặng thưởng huy chương vàng. Ông nói với tay tư bản ngân hàng dạo nọ:
- Ông thấy đấy, dù sao thì tôi cũng lấy được vàng từ Mặt Trời!

8 - THỊ HIẾU
Tháp Effen là một cấu kiện khổng lồ làm bằng thép do kỹ sư người Pháp tên là A. Effen thiết kế. Khi ngọn tháp được khởi công tạo dựng tại thủ đô Pari thì Tổng giám đốc triển lãm thế giới ở Pari nhận được bức thư sau: “Nhân danh thị hiếu chân chính, nhân danh nghệ thuật, nhân danh lịch sử nước Pháp hiện tại đang bị đe dọa, chúng tôi là những nhà văn, nghệ sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, những người hâm mộ, đam mê vẻ đẹp tuyệt vời của Pari, với sự phẫn nộ sâu sắc, phản đối việc tạo dựng ngay trong quả tim thủ đô chúng ta một cái tháp vô bổ và kỳ quái… Ảnh hưởng của óc tưởng tượng hẹp hòi, tính toán tủn mủn của người chế tạo sẽ làm xấu xí và nhục nhã Pari!...”
Bức thư mang chữ ký của 40 nhà trí thức tiêu biểu, nổi tiếng của Pháp thời ấy.
Ngày nay tháp Effen là biểu tượng về sự tuyệt vời của trí tuệ và tài năng con người, là kỳ quan của nước Pháp và của cả thế giới.

9 - TỔ QUỐC
Trước binh lính, vị chỉ huy hỏi:
- Chiến, anh nghĩ gì về Tổ quốc?
- Thưa, Tổ quốc là thiêng liêng!
- Xa vời quá!... Còn Thắng, anh nghĩ gì về Tổ quốc?
- Thưa, Tổ quốc là mẹ hiền của tôi!
- Rất gần gũi!... Anh Quân nghĩ sao?
- Thưa chỉ huy, Tổ quốc là vợ của bố anh Thắng!...

10 - SỐ ĐIỆN THOẠI
Cô giáo hỏi cả lớp:
Trong lời giới thiệu về nhà đại văn hào Pháp, sau cái tên Victo Huygô là dòng chữ số: (1802-1885). Em nào biết dòng chữ số đó có nghĩa là gì?
Một học sinh nhanh nhảu đứng lên:
- Thưa cô! Đó là số điện thoại của ông ta ạ!...

11 – THẢ RUỒI
Thầy giáo bực mình, vỗ bàn:
- Ồn quá! Hãy im lặng! Cả lớp hãy im lặng đến độ nghe được cả tiếng ruồi bay xem nào…
Thế là cả lớp im phăng phắc. Một lát sau, có lẽ không chịu nổi sự chờ đợi nữa, một học sinh rụt rè lên tiếng:
- Thưa thầy, sao thầy không thả ruồi ra đi ạ!...

12 - TỪ GHÉP
Cô giáo:
- Trong tiếng Việt có rất nhiều từ ghép. Từ ghép là từ rút gọn, được hợp thành bởi hai từ đồng nghĩa hoặc có nghĩa gần gũi nhau. Từ ghép có tác dụng nhấn mạnh hoặc mang nghĩa bao hàm hơn hai từ được ghép. Chẳng hạn, “gian khó” là từ ghép của hai từ “gian khổ” và “khó khăn”; “núi sông” là từ ghép của hai danh từ “núi”, “sông” và có nghĩa như “quê hương”, “tổ quốc”… Các em đã hiểu chưa?
Cả lớp đồng thanh:
- Thưa cô, rồi ạ!
- Vậy thì em Tèo, hãy nêu cho cô một câu trong đó có một từ ghép…
Tèo đứng lên, rành mạch:
- Thưa, “Bố em là người bất lực” ạ!
Cô giáo nhăn mặt, lắc đầu:
Thấy thế, Tèo nói tiếp:
- Thưa cô, “bất lực” là từ ghép của “bất khuất” và “lực lưỡng” ạ…
Cô giáo trầm ngâm một lúc rồi ôn tồn nói:
- Em Tèo ghép như vậy không sai, nhưng khiên cưỡng. Thường thì những từ ghép như vậy không được sử dụng vì dễ làm người ta ngộ nhận thành nghĩa của một từ khác trùng với nó về hình thức và đã được dùng phổ biến… Bây giờ đến lượt Tý, em hãy nêu một câu trong đó có hai từ ghép xem nào!...
- Thưa cô, “Chúng em ngoan cố là nhờ cô khích động” ạ. Cả lớp phì cười. Cô giáo nhíu mày, lên giọng:
- Em nói cái gì thế, Tý?
- Thưa cô, “ngoan cố” là từ ghép của “ngoan ngoãn” và “cố gắng”, còn “khích động” là từ ghép của “khích lệ” và “động viên” ạ!...
Cả lớp cười to hơn. Cô giáo cũng bật cười trước vẻ mặt ngẩn ngơ của Tý. Rồi cô giáo quay lên bảng lắc đầu, miệng lẩm bẩm:
- Bó tay!...

13 - AI NGU MUỘI, AI THIÊN TÀI
Khi Côpecnic đưa ra thuyết Nhật Tâm, M. Luther, người khai sinh là ra đạo Tin Lành đã nhận xét: “Gã ngốc ấy mà cũng đòi lật đổ toàn bộ môn thiên văn ư?”, và đòi lôi ra xét xử “nhà thiên văn đã buộc Trái Đất phải chuyển động còn Mặt Trời thì phải đứng yên”. Thiên Chúa giáo chính thống cũng chống đối thuyết Nhật Tâm quyết liệt, liệt sách của Côpécnic vào danh mục cấm kèm lời ghi chú: “Cho đến khi nào chịu sửa lại”. Lệnh cấm này được duy trì đến tận năm 1882, tính ra là hơn ba thế kỷ.
Galilê, ông tổ của vật lý thực chứng, thuở ban đầu trên bước đường nghiên cứu khoa học của mình cũng đã từng tuyên bố: “Tôi tin chắc rằng hệ thống mới (tức thuyết Nhật Tâm) của Côpécnic là sự ngu xuẩn tuyệt đối”. Tuy nhiên, về sau, ông đã thay đổi quan điểm, quay lại ủng hộ và bảo vệ nó quyết liệt. Chính vì thế mà ông đã bị trừng phạt nặng nề bởi Pháp đình Thiên Chúa giáo.
Còn nhà triết học duy vật Baicơn (1561-1626) thì mô tả thuyết Nhật Tâm như là “sự hoang tưởng của một người không ý thức được mình đã đưa ý niệm gì vào tự nhiên” rồi kết luận: “Ông ta (tức Côpécnic) chỉ cần biết rằng nó đáp ứng các tính toán của cá nhân mình mà thôi”.

14 - ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG
Sau khi lặp lại thành công thực nghiệm của nhà vật lý người Nga A. Pôfôp về sự truyền tín hiệu vô tuyến nhờ sóng điện từ, một người Ý tên là G. Marconi liền nảy ra ý tưởng truyền tín hiệu này vượt qua Đại Tây Dương. Ông này đơn giản nghĩ rằng chỉ cần tăng công suất nguồn phát và cải thiện độ nhạy của máy thu là có thể thực hiện được điều đó. Ý tưởng của Marconi bị các chuyên gia đương thời đem ra làm trò cười thiên hạ. Theo họ, đơn giản vì sóng điện từ truyền theo đường thẳng nên nó không thể lượn nửa vòng Trái Đất (hình cầu) để tới bờ bên kia của Đại Tây Dương được. Tuy rằng không được học hành bao nhiêu về kỹ thuật, Marconi vẫn quyết tâm mày mò, bỏ ngoài tai mọi lời chế giễu, công kích, và vào năm 1897 thì thực hiện thành công ý tưởng của mình. Sự kiện này, đến lượt nó, đặt ra câu đố làm nhức đầu các chuyên gia. Mãi đến năm 1902, hai nhà khoa học người Mỹ và Anh (tên là Kenelly và Heaviside) mới phát hiện ra sự tồn tại tầng điện ly của khí quyển Trái Đất. Chính nhờ sự phản xạ sóng điện từ của tầng này mà dự án của Marconi thành công.
Vào những năm 20 của thế kỷ XX, nhà vật lý E. Lorenz, người Mỹ, đề nghị chế tạo máy gia tốc hạt cơ bản - Xiclotron. Ngay lập tức ông vấp phải sự chống đối quyết liệt từ phía các chuyên gia. Với những lập luận rất chặt chẽ, họ kết luận hiệu suất của máy sẽ không đáng kể. Thế nhưng, người ta vẫn cứ chế tạo và điều ngạc nhiên là kết quả ngược với sự đoán của các chuyên gia. Thì ra, trong quá trình vận hành máy, xuất hiện một từ trường kích thích, làm tăng hiệu suất máy. Cũng vì thế, sau này máy mang tên là máy gia tốc cộng hưởng từ.
Ước mơ du hành trong Vũ Trụ của con người đã có từ lâu. Khoảng nửa sau thế kỷ XIX, nhà văn J. Verne đã hư cấu rất lý thú một con tàu hành trình lên Mặt Trăng trong một tiểu thuyết viễn tưởng của ông. Lúc đó cũng có đôi người, chẳng hạn như R. Godard nghiên cứu nghiêm túc về khả năng đó. Số đông nhà khoa học thời đó không tin là trong hiện thực có thể chế tạo được một con tàu (còn gọi là tên lửa) bay vào Vũ Trụ được, và cố gắng chứng minh tính bất khả thi này. Theo họ, một trong những cản trở cơ bản là trong chân không Vũ Trụ, tên lửa sẽ bị mất điểm tựa là không khí nên không thể bay được. Duy có một người Nga tên là K. Xiôncốpxki vẫn “gàn bướng” tìm tòi cách thực hiện ước mơ cháy bỏng được ngao du trong Vũ Trụ của nhân loại. Kiến thức khoa học mà Xiôncốpxki có được là hoàn toàn nhờ tự học, cũng vì thế mà chỉ ở mức bình thường, thậm chí còn có những khiếm khuyết về trình độ học vấn. Ấy vậy mà ông đã đến được ý tưởng độc đáo, vượt qua sức tưởng tượng của các chuyên gia đương thời và bị họ coi là kỳ quặc. Tuy nhiên, theo thời gian, những nghiên cứu phát minh trên cơ sở ý tưởng đó đã dần mở ra khả năng biến ước mơ của nhân loại thành hiện thực. Ấy vậy mà năm 1926, giáo sư người Anh tên là A. Bikerton vẫn bày tỏ thái độ khinh miệt đối với ý tưởng của Xiôncốpxki: “Một ý tưởng ngu ngốc chưa từng thấy!”. Nực cười nhất là chỉ còn đúng một năm nữa, vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được phóng thành công lên quĩ đạo Trái Đất, mà vị giáo sư thiên văn cũng người Anh, ngài K. Vandet Booly vẫn lớn tiếng tuyên bố rằng các chuyến bay vào Vũ Trụ chỉ là chuyện “vớ vẩn”, vì “không thể thực hiện được”.
Đương thời, nhà tài phiệt Mỹ nổi tiếng H. Ford từng tuyên bố: các chuyên gia chỉ là những kẻ phá hoại. Ông nhận xét rằng các chuyên gia rất nhanh chóng moi móc ra những khiếm khuyết của lý tưởng mới và đưa ra hàng trăm ngàn trở ngại để bóp chết nó. “Họ rất thông minh và đầy kinh nghiệm để giải thích một cách chính xác tại sao không nên làm cái này cái nọ. Họ tiên đoán được những giới hạn và trở ngại”, có lần H. Ford đã đánh giá như vậy về các chuyên gia. Rồi liền đó ông rút ra một kết luận hóm hỉnh: “Nếu muốn hạ các đối thủ của mình bằng những phương cách hèn hạ, tôi chỉ cần đẩy cho họ một đám chuyên gia. Ngập trong một đống những lời khuyên khôn ngoan, các đối thủ của tôi sẽ chẳng thể bắt tay vào làm việc gì được”.
***
Trong lịch sử nghiên cứu khoa học của nhân loại, không hiếm những ý tưởng mới hôm qua còn bị cho là ngớ ngẩn, điên rồ “điếc không sợ súng” như trên đã làm nên những điều kỳ diệu của hôm nay, và nói cho công bằng, không hiếm những điều hôm nay được xem như kỳ diệu thì ngày mai đã thành ấu trĩ, ngây thơ, thậm chí là “vớ vẩn”, sai lầm. Phải chăng quá trình đi nhận thức để tìm hiểu Tự Nhiên Tồn Tại là tất yếu như thế? Có lẽ, đó là quá trình vừa “tình cờ” vừa “cố ý”, là xâu chuỗi và đan xen những sự kiện, biến cố ngẫu nhiên như “bèo dạt mây trôi” theo dòng chảy tất yếu hướng về một chân lý đích thực cuối cùng. Chúng ta cũng là những kẻ học hành không được bao nhiêu không phải vì không được học mà vì học không được. Cha mẹ sinh ra chúng ta là một thân xác tương đối hoàn hảo nhưng Trời lại chỉ ban cho chúng ta một bộ não hoạt động ở mức thiểu năng trí tuệ nên đành sống một cuộc đời đầy hoài nghi, lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác. Chính vì như thế nên chúng ta đã cố học nhưng không thể nào lĩnh hội được “tảng” lý thuyết toán - lý cao siêu và vĩ đại đang “trị vì” kiến thức nhân loại. Sự thể ấy đã làm cho chúng ta, vào thời xưa kia, khi còn chưa già, nhiều lúc vô cùng buồn nản và thất vọng. Còn bây giờ thì… không hề nhé, hỡi “ông” Toán - Lý!
Hoài nghi và ngơ ngác có cái dở nhưng cũng có cái hay. Cái hay đó là đã tạo ra trong chúng ta sự tò mò “ghê gớm” về thế giới khách quan làm bật ra nỗi ước vọng mãnh liệt: hiểu được bản chất của Vũ Trụ và giải thích được vì sao nó lại vốn dĩ thế chứ không thể khác.
Sự thực không thể phủ nhận được là toán - lý ngày nay, dù có thể còn hàm chứa những ngộ nhận này nọ thì xét một cách tổng thể, vẫn là thành quả mang tính “có lý” chứ không thể phi lý được. Quá trình hình thành, phát triển, vượt qua thử thách suốt hàng mấy ngàn năm nhận thức của loài người chứng tỏ rõ ràng như vậy. Vậy thì muốn nhận biết đến căn nguyên về sự tồn tại của Vũ Trụ, không thể chối bỏ toán - lý mà ngược lại, phải tiến tới theo hướng mà toán - lý đã khai mở và chỉ ra, phải sử dụng những “phương tiện” mà toán - lý đã sáng tạo. Nhưng như đã thổ lộ, năng lực trí tuệ yếu kém của chúng ta đã không cho phép chúng ta sánh vai, đồng hành với lực lượng tinh nhuệ, đi tiên phong của toán - lý để thực hiện ước vọng cháy bỏng của bản thân mình. Đó là cái mâu thuẫn đối kháng cực kỳ gay gắt, tuy không đến nỗi một mất một còn, nhưng đến Tạo Hóa (xin lỗi Ngài!) cũng không khắc phục được.
Nếu không khắc phục được mâu thuẫn thì tìm cách vượt qua mâu thuẫn, nếu không có “tảng” lý thuyết toán - lý cao siêu và vĩ đại làm điểm tựa thì chúng ta hãy hành động như anh chàng nọ: tự túm tóc làm mình bay lên và hành trình đó đây cho thỏa niềm ước ao, khát vọng. Lời tự nhủ thầm ấy, ai nghe thấy mà không cười hô hố vì đối với họ rõ ràng là nó đầy ngông cuồng và hão huyền. Nhưng đối với chúng ta, đó là lời tự nhủ tuyệt vời bởi vì chúng ta đã biết tỏng, một cách tương đối, và nếu tìm ra cách tự tạo một động cơ phản lực trong nội tại bản thân mình bằng những vật liệu và phương tiện thông dụng nhất, thì chúng ta cũng sẽ hóa thành trái tên lửa vi vu đến mọi chân trời góc bể của Vũ Trụ.
Tuân theo lời khuyên nhủ, việc đầu tiên chúng ta làm là đặt ra câu hỏi: toán - lý là cái gì? Và chúng ta đã trả lời được: toán - lý là một Vũ Trụ ảo do loài người sáng tạo ra trong quá trình quan sát và nhận thức Vũ Trụ thực tại, nhằm mô phỏng, miêu tả thực tại theo nhãn quan, cách thức đặc thù và ý chí (tức lý trí chưa hoàn toàn sáng suốt) của mình. Cũng do đó mà Vũ Trụ ảo toán - lý vừa mang tính khách quan vừa mang tính chủ quan, vừa như thực thể vừa là nguyên lý. Nói cách khác, toán - lý là một thực tại kỳ ảo hòa quyện với hoang đường huyễn hoặc. Còn thực chứng có ảo không? Ảo luôn! Tất cả các thí nghiệm đúng là thực tại, nhưng kiến thức rút ra được từ các thí nghiệm ấy đều phải thông qua suy luận. Cho dù suy luận có tính trực giác đến mấy thì cũng không thoát khỏi sự lũng đoạn của suy nghĩ chủ quan con người, nghĩa là các thí nghiệm ấy đã bị “ảo hóa”. Ví dụ, để chứng minh xung quanh một dây dẫn điện có tồn tại trường điện từ, người ta phải dùng thiết bị đo. Nếu thiết bị đo hoạt động, ta rút ra kết luận rằng ở đó tồn tại một trường điện từ, dù ta có đo nó hay không. Nhưng có chắc trong vùng không gian xung quanh dòng điện, thực sự tồn tại trường điện từ không? Nếu hỏi các nhà vật lý theo chủ nghĩa thực chứng, thì 100% câu trả lời là khẳng định. Chúng ta thắc mắc: đành rằng khi đưa thiết bị đo đến đó thì phải thừa nhận là có, nhưng khi lấy thiết bị đo đi khỏi thì sao lại khẳng định được (vì đã có thực chứng đâu!?)? Dòng điện dùng năng lực của mình để tạo dựng một trường tương tác cố định trong vùng không gian bao quanh nó nếu là sự thực thì thật…phi thường!
Có thể hiểu nôm na: “tư duy” là “nghĩ” và “suy”. Ở loài vật (không phải loài người) có thể có “nghĩ” nhưng không có “suy”, hoặc sự “suy” của chúng là nông cạn, nhất thời và được gọi là bản năng, vô thức. Một con báo nằm rình rập con mồi, chờ đợi thời cơ để xông ra vồ chụp, không thể nói khác được, phải là một quá trình được điều khiển bởi sự  "nghĩ". Nhưng cũng không thể nói khác được, đó là sự "nghĩ" thiếu "suy", nhất thời, nông cạn, tương tự một phản xạ bản năng đã được tự nhiên hun đúc qua nhiều thế hệ. Sự  nghĩ đó mau chóng nhạt nhòa sau quá trình săn bắt mồi và không còn được lưu giữ như một “kỷ niệm” trong não con báo nữa. Như thế, nếu ở loài vật có tồn tại sự suy nghĩ nào đó thì sự suy nghĩ đó hầu như không có hồi ức (sự nhớ lại), và đã thành bản năng của con vật thông qua con đường tiến hóa-thích nghi sinh vật. Vậy, có thể quan niệm: tư duy là những cảm giác về thế giới khách quan được lưu giữ tương đối dài lâu theo thời gian mà bộ não có thể tái hiện lại trong tâm thức (hồi ức), nhờ đó mà chọn lựa (suy ra) được hành động được coi là tốt nhất cho đảm bảo sống còn trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Nói cách khác, tư duy là “nghĩ” và có khả năng “suy” từ sự “nghĩ” ấy. Tư duy mà loài người có được chính là một trong những thành quả của tiến hóa thích nghi thông qua quá trình đấu tranh sinh tồn ở một giống loài có cơ thể sinh học đặc thù tồn tại trong một môi trường thiên nhiên đặc thù, với thời gian đủ lâu.
Nhờ có tư duy ấy mà loài người nhận thức ngày một sâu sắc về tự nhiên. Quá trình nhận thức tất yếu làm xuất hiện toán học và vật lý học. Toán - lý thuở ban đầu chỉ có mục đích duy nhất là đáp ứng đòi hỏi nảy sinh ra từ cuộc mưu sinh và ước ao được sống ổn định hơn, sung sướng hơn của loài người. Chính vì sự nhận thức còn yếu kém của loài người, cũng như sự thể hiện “lấp lửng”, “hai mặt” của hiện thực khách quan mà trong toán - lý xuất hiện những mâu thuẫn nội tại gây rạn vỡ niềm tin đối với nhận thức và buộc loài người phải tìm cách giải quyết. Lịch sử cho thấy việc giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong toán - lý là một công cuộc vô cùng khó khăn gian khổ, nhưng cũng hết sức oanh liệt, hào hùng, tuy rằng cho đến tận ngày nay vẫn còn đầy những “ngổn ngang”. Mặt khác, cũng cần thấy rằng công cuộc đó đã làm cho toán - lý ngày nay đã vượt xa mục đích “thực dụng” dung dị thuở ban đầu của nó để đảm nhiệm luôn cái vai trò mà triết học không kham nổi: mô tả và giải thích Tự Nhiên Tồn Tại một cách định tính, và cả định lượng. Chính quá trình thực thi sứ mạng ấy mà chúng dần chuyển hóa thành thực tại ảo. Nhưng đến nay toán - lý vẫn chưa hoàn thành vai trò đó, trái lại, toán - lý ngày một phát phì với “ngổn ngang” những lý thuyết, giả thuyết nhân tạo vô cùng phức tạp, vô cùng rối rắm, trở thành cao siêu, huyền bí mà dù cho một người có bộ não nhận thức kiệt xuất, bỏ cả đời để học, cũng không thể lĩnh hội hết được. Điều đó ám chỉ rằng Vũ Trụ là cực kỳ khó hiểu và người thường như chúng ta, nếu muốn nhận thức nó thì trước hết phải thấu suốt toán - lý, nhưng vì chúng ta (cũng như những thế hệ mai sau) không thể thực hiện được điều đó, nên đành “bất khả tri” trước thực tại khách quan. Nếu sự ám chỉ ấy là sự thực tất yếu thì… buồn quá! Nhưng thật là may lại không phải như vậy! Bởi vì như chính toán - lý đã phô bày ra, nhiều trường hợp, một hiện tượng có thể hiểu được theo nhiều cách, bằng nhiều lý thuyết khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp. Vì sao vậy? Vì Vũ Trụ là thực tại khách quan vốn dĩ hai mang như thế, hay tại vì tư duy "sáng tạo" ra như thế?
Vũ Trụ thực tại có rắm rối và quá ư phức tạp như toán - lý đã chỉ ra không? Ngắm nhìn hiện thực khách quan, chúng ta bao giờ cũng có cảm nghĩ vạn vật - hiện tượng sao mà hồn nhiên thế. Mọi quá trình trong Vũ Trụ, trừ của loài biết tư duy, đều là mù quáng, mà sao lại có thể triển khai nhịp nhàng, hợp lý đến mức tối ưu như thế? Vì là mù quáng nên các sự vật - hiện tượng không biết “tính toán” các phương trình để lựa chọn giữa có nghiệm và vô nghiệm, giữa bất toàn và tối ưu trong sự vận động duy trì tồn tại của chúng, ấy vậy mà chúng chưa một lần mảy may phạm sai lầm, vẫn tuân thủ tuyệt đối chính xác những vốn dĩ cần phải tuân thủ mà loài người đã khám phá ra (có lẽ là hầu hết) và gọi đó là những nguyên lý, qui luật của tự nhiên. Hơn nữa sự chính xác tuyệt đối ấy chứng tỏ trong Vũ Trụ thực tại khách quan, mọi quá trình nhân - quả bao giờ cũng dẫn đến “có nghiệm” chứ không thể “vô nghiệm”, và “nghiệm” được tạo thành bao giờ cũng xác định, tồn tại một cách dứt khoát. Trong khi đó ở Vũ Trụ ảo toán - lý, đầy rẫy những bất định, những khiên cưỡng không thể hình dung nổi, những hoang cảnh kỳ dị ẩn chứa mâu thuẫn lôgic sâu sắc, chẳng hạn nếu không là tất cả thì cũng gần như tất cả các hằng số mà toán - lý rút ra được từ suy luận khoa học đều là số vô tỷ. Làm thế nào mà các bộ phận trong Vũ Trụ kết hợp với nhau một cách đồng bộ được, nhịp nhàng được, nếu kết quả cho thấy chúng vô tỷ!? Tóm lại, nếu Vũ Trụ thực tại được thấy là một tổng thể được bảo toàn, do đó sự vận động, chuyển hóa trong nội tại nó phải luôn luôn mạch lạc và cân bằng, thì Vũ Trụ ảo toán - lý lại được thấy là một tổng thể bất toàn, bộc lộ nhiều trục trặc, nghịch lý giả tạo đến…vô tỷ...!
Những suy nghĩ nêu trên đã dẫn chúng ta đến kết luận: toán - lý ngày nay chưa thực sự kiện toàn, vừa thiếu vừa thừa vừa sai lạc, thừa trong chức năng ứng dụng, thiếu trong chức năng giải mã tự nhiên và sai lạc khi là công cụ thuyết minh Vũ Trụ. Như vậy có nghĩa rằng toán - lý ngày nay vẫn chưa hoàn hảo trong vai trò mô phỏng, miêu tả Vũ Trụ thực tại. Như đã nhận xét thì thành quả mà toán - lý tạo lập được trong suốt hàng ngàn năm thật là vĩ đại. Đó là những nguyên lý, định lý, qui luật, định luật và dạng định lượng của chúng là những phương trình, biểu thức, được thiết lập thông qua quá trình nhận thức và nhận thức lại dài lâu của loài người, đồng thời cũng đã kinh qua biết bao thử thách để tự điều chỉnh và định hình mà có dạng như ngày nay. Thành quả ngày nay của toán - lý, do đó, về mặt hình thức và nhất là về mặt định lượng, nói chung là đúng đắn, không thể không thừa nhận được, nhưng cũng không thể cho rằng chúng là “bùa hộ mệnh” vạn năng được, vì chúng là thành quả tạo dựng chủ quan của con người.
Nếu các phương trình, biểu thức toán - lý nói chung là đã xác đáng thì toán - lý không hoàn hảo ở chỗ nào? Chính câu hỏi của nhà vật lý nổi tiếng S. Hawking, mà chúng ta chép lại ở đầu chương, đã gợi ý ra câu trả lời!
Từ quá trình khảo cứu để tìm hiểu một hiện tượng hay một loại hiện tượng của tự nhiên, các nhà nghiên cứu thu được những kết quả có tính đồng nhất và từ đó rút ra được kết luận dưới dạng một định luật, đồng thời đưa ra qui ước và bằng những ký tự cũng như ký số thiết lập nên những phương trình, biểu thức (những biểu diễn toán học) nhằm “cô đọng” định luật ấy dưới dạng định lượng. Như vậy, không phải “điều gì đã thổi sức sống vào các phương trình” mà chính các nhà nghiên cứu đã gửi gắm nhận thức khoa học của họ vào trong đó. Đối với những “người trần mắt thịt” hoặc thất học thì những phương trình toán - lý chỉ là những hiện hữu vô hồn, những dòng ký hiệu vô tri, chứ không hề có chút sức sống nào cả. Mặt khác, đành rằng những phương trình toán - lý “có thể mô tả Vũ Trụ” (bởi chúng được sinh ra vì mục đích đó mà!) thì thử hỏi sự mô tả đó đã thỏa đáng chưa? Trả lời được câu hỏi này thì vấn đề toán - lý hoàn hảo hay chưa hoàn hảo cũng được làm sáng tỏ.
Nói chung, bản thân các phương trình, biểu thức toán - lý, do đã được xác minh và tỏ ra vững vàng qua thử thách ứng dụng nên đó là những kết quả đúng, diễn tả thích đáng các hiện tượng, phù hợp với những gì mà các nhà nghiên cứu quan sát, đo lường được. Tuy nhiên sự diễn tả ấy chỉ là hình thức, có tính suy diễn phi thực hoặc trực giác bản năng. Bản chất của hiện tượng là do các nhà nghiên cứu chủ quan suy ra trên cơ sở nhận thức khoa học về tự nhiên đã được thừa nhận và đóng vai trò là kiến thức chính thống của đương thời. Một khi nhận thức về tự nhiên của thời đại chưa hoàn hảo thì sự suy lý về bản chất hiện tượng đang nghiên cứu cũng chưa hoàn hảo và đương nhiên phương trình đã thiết lập, đóng vai trò như “phát ngôn viên” của các nhà nghiên cứu, cũng chưa thể hoàn hảo. Nói cách khác, các nhà nghiên cứu đã chưa thấy được đích xác ý nghĩa mà các phương trình, các biểu thức hàm chứa. Có lẽ, bức tranh về thực tại khách quan vốn dĩ đơn dản lắm, nó phức tạp, trở nên rắm rối, sai lạc là do sự tưởng tượng thái quá của con người, và phải chăng, chỉ khi nào con người xác định được các hằng số Vũ Trụ đều là hữu tỷ, thì thực tại khách quan mà con người vẽ ra mới đích đáng!?
Trước đây, kể cũng rất lâu rồi, chúng ta đã từng suy nghĩ rất nhiều đối với quan niệm của toán - lý về Tự Nhiên Tồn Tại và dù còn mờ nhạt, cũng đã thấy hiện lên không ít những ngộ nhận tồn tại trong hệ thống quan niệm ấy. Lúc đó, chúng ta tự cười mình vì nghĩ rằng toán - lý không thể sai được mà chính bản thân chúng ta đã sai khi “nhìn gà hóa cuốc”.
Thế rồi, trong một lần cố hiểu cho được thuyết tương đối hẹp, chúng ta đã phát hiện ra cái sai của Anhxtanh chỉ bằng một thao tác đơn giản với phương tiện là toán học phổ thông. Lúc đầu tưởng mình phạm sai lầm ấu trĩ ở khâu nào đó, nhưng thử đi thử lại mãi vẫn đúng. Dù sao thì chúng ta cũng không hề tin rằng đã tìm ra được “gót chân Asin” của nhà vật lý vĩ đại nhất thế kỷ XX, nhất là khi thấy toán - lý cao cấp (phép toán tenxơ) cũng không hề phát hiện ra cái sai ấy…
Sự hạn chế về kiến thức toán - lý đã buộc chúng ta quay về với triết học Mác - triết học mà chúng ta đã từng cho là nói đúng nhất về tự nhiên, đã từng đặt niềm tin tuyệt đối vào nó thuở thiếu thời, để cố tìm ra một hướng đường thực hiện khát vọng tìm hiểu căn nguyên Vũ Trụ. Vô vọng! Té ra, khi đã có ít nhiều “kinh nghiệm” về nhận thức thì mới thấy triết học này cũng y hệt như một tôn giáo, như Phật giáo chẳng hạn: mê lầm trong cực đoan, cuồng tín và ru ngủ!
Biết rằng nguồn cội của triết học châu Âu là triết học Hi Lạp cổ đại, chúng ta về đó mong tìm ra một sự gợi mở nào đó dù nhỏ nhoi. Và đúng là chúng ta đã tìm được cái gợi mở nhỏ nhoi ấy: ý niệm về tồn tại và sự cần thiết phải phân biệt giữa tồn tại và sự hiện hữu. Ít ỏi thế thôi nhưng cực kỳ quan trọng!
Người ta cho rằng triết học Hi Lạp cổ đại rực rỡ được là nhờ công lao không nhỏ của triết học phương Đông cổ đại. Tin theo nhận định đó nên chúng ta quay sang triết học Ấn Độ cổ đại. Chính ở đây đã bật lên trong chúng ta một ý tưởng hoàn toàn mới mẻ, vô cùng khác lạ, nhưng có vẻ không đến nỗi vô lý lắm: không gian có tính thực thể và là cội nguồn của tất cả, kể cả thời gian. Ý niệm ấy tất nhiên bày ra câu hỏi: vậy thời gian là gì? Lúc đó chúng ta không trả lời nổi, nhưng đã hiểu rằng: ai thấy được bản chất của không gian và thời gian, người đó mới có cơ may thấu tỏ được căn nguyên Vũ Trụ.
Bước đi quyết định giúp chúng ta mạnh dạn lên đường thực hiện cuộc hành trình “Thực tại và Hoang đường”, là đến với triết học Trung Hoa cổ đại. Tinh hoa của triết học Trung Hoa cổ đại là triết học Lão - Trang. Nhờ có triết học Hy Lạp cổ đại cũng như triết học Ấn Độ cổ đại mà khi tiếp cận triết học Lão - Trang, chúng ta đã ngay lập tức thấy được sự suy tưởng thiên tài của Lão Tử về tự nhiên nói chung và xã hội nói riêng. Có thể nói quan niệm của Lão Tử về Vũ Trụ thực tại, dù còn ngây thơ, ở mức sơ phác, thì cũng đã rất đúng. Chính triết học Lão - Trang đã cho chúng ta có ý tưởng: thể hiện của tồn tại là không gian và chuyển hóa không gian. Hơn nữa, chính sự chuyển hóa không gian chứ không phải là cái gì khác đã tác động đến quan sát và tư duy gây ra cảm giác về sự nhanh - chậm, lâu - mau, từ đó mà hình thành nên ý niệm về sự tồn tại của thời gian.
Phải nói rằng ngay trong lòng triết học cổ đại thế giới đã ẩn chứa những nhận thức trác tuyệt của loài người về tự nhiên - xã hội. Ấy vậy mà trải qua mấy ngàn năm từ đó đến nay, loài người lại vẫn ra sức lùng sục, kiếm tìm trong hoang mang ngộ nhận các chân lý mà nó đã phát hiện được ngay từ buổi bình minh của quá trình nhận thức triết học của mình. Thật kỳ lạ!
Chắc rằng phải có sự hối thúc tâm linh nào đó, nhưng phần nhiều là do bản tính quá ư tò mò mà trình độ nhận thức lại có hạn, nên chúng ta hướng về triết học cổ đại, thứ triết học ẩn chứa thâm thúy trong những lời chất phác, cô đọng, để nghiền ngẫm và nhận thức lại. Nhờ thế, chúng ta mới có được thuật ngữ “Tự Nhiên Tồn Tại”. Tự Nhiên Tồn Tại vừa là nhãn mác (tên gọi) mà chúng ta đặt cho Vũ Trụ, cho cái Vốn Dĩ, vừa là khái niệm theo cách hiểu riêng của mình, vừa hàm chứa thực thể Tồn Tại, vừa hàm chứa nguyên lý Tự Nhiên. Cũng nhờ nhận thức lại, chúng ta biết được một đặc tính cơ bản của Tự Nhiên Tồn Tại, gọi là “đặc tính thể hiện nước đôi”. Chính đặc tính này đã gây rất nhiều khó khăn cho nhận thức khoa học, tạo ra nhiều ngộ nhận vẫn còn tồn tại cho đến nay. Chẳng hạn, không gian Vũ Trụ được mô tả theo hình học Ơclít hay theo hình học phi Ơctít đều được.
Triết học duy tồn được thai nghén và ra đời như vậy đấy! Đó là học thuyết được sáng tạo ra trên cơ sở kế thừa những tinh hoa của triết học cổ đại thế giới. Chúng ta đã dựa vào triết học đó để thử lý giải một số hiện tượng tự nhiên cũng như xã hội thì theo như chúng ta tự đánh giá, đều thỏa đáng. Chính vì vậy, dù có thể còn “lợn cợn” chỗ này chỗ nọ, xong chúng ta tin rằng về đại thể nó đã đúng và miêu tả khá tốt thực tại khách quan.
Tuy nhiên, cần thấy rằng một triết thuyết thực sự đúng đắn thì các luận điểm thuần túy lý tính của nó phải được toán - lý chứng thực và nhất là phải trở thành kim chỉ nam cho toán - lý tự điều chỉnh lại để tiếp tục tiến lên đúng hướng. Nhưng toán - lý với những quan niệm ngày nay về tự nhiên của nó, làm sao mà chấp nhận được triết học duy tồn? Chính vì thế, để bảo vệ đứa con tinh thần được sinh ra từ sự ước vọng mãnh liệt mà chúng ta vô cùng tin yêu, chúng ta buộc phải “xông vào” toán - lý để “uốn nắn” lại một số quan niệm của nó theo… ý mình. Nhưng xông vào bằng cách nào và vùng nào của Vũ Trụ ảo toán - lý (cũng bao la và vĩ đại như Vũ Trụ thực tại) mới là điều phải bận tâm suy nghĩ.
Như đã nói, chúng ta không thể không thừa nhận về đại thể những phương trình, biểu thức cơ bản đã được nghiệm chứng và thử thách và đang tồn tại, đóng vai trò thiết yếu trong cấu trúc toán - lý. Nhưng có thể có những “hiểu lầm” nhất định đến ý nghĩa mà chúng hàm chứa. Cần tìm cho ra những hiểu lầm ấy. Đó là mong muốn của chúng ta. Mặt khác, có thể thấy bốn phép toán cộng, trừ, nhân, chia là những yếu tố cơ bản tạo nên các phương trình, biểu thức toán học từ đơn giản đến phức tạp. Như thế, thông qua qui ước và chú thích, có thể đưa một phương trình, biểu thức phức tạp nào đó của toán - lý về dạng biểu diễn đơn giản hơn, thậm chí là rất đơn giản. Mặt khác nữa, do đặc tính thể hiện nước đôi của Vũ Trụ thực tại mà một hiện tượng có thể được thấy rất phức tạp theo góc độ này thì đồng thời cũng có thể được thấy rất giản đơn ở góc độ khác. Từ những điều đó, chúng ta cho rằng có thể giải quyết một vấn đề phức tạp bằng cách giản dị, nghĩa là có thể giải thích những hiện tượng phức tạp bằng những lý thuyết cao siêu. Nhưng cũng có thể bằng những lý thuyết chất phác nếu… gặp may!
Đương nhiên, chúng ta không thể xông vào vùng “kiến thức thượng tầng” của toán - lý mà chỉ có thể vào vùng “cơ sở hạ tầng” của nó. Thế là chúng ta quyết định đến khu vực kiến thức phổ thông toán - lý để khảo cứu, “bênh vực” triết học duy tồn, và đồng thời cũng coi như cùng với toán - lý ở dạng bình giản nhất, xóa bỏ những “ngộ nhận lớn lao” của chính toán - lý.
Có thể nhiều người gọi chúng ta là những kẻ ngông cuồng và rồ dại, nhưng chúng ta đã vạch ra phương hướng ấy và thực sự đã hành trình theo phương hướng ấy từ đó đến nay trên “con đường của những gã nhà quê”. Chúng ta sẽ còn tiếp tục độc hành trên con đường ngoằn ngoèo kỳ dị do bản thân chúng ta tự mở lối cho đến khi… trở về nơi trước lúc khởi hành, tức là cho đến khi hết bị… lẩm cẩm!
***
(còn tiếp) 
--------------------------------------------------------------------------