Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 39/a




PHẦN IV:     BÁU VẬT

“Lạc vào cõi mộng Tự Nhiên
Thẫn thờ một bóng giữa miền Siêu Linh
Nhặt lên hòn ngọc bí huyền
Mắt ai thăm thẳm đắm nhìn mắt ai.”
Thầy Cãi

CHƯƠNG VI: BÍCH LẠC

“Một chân lý mới của khoa học thường thắng lợi không phải bằng cách những kẻ chống đối nó sẽ được thuyết phục và tuyên bố mình được dạy dỗ, mà đúng hơn bằng cách những kẻ chống đối dần dần chết hết và thế hệ mới ngay từ đầu được làm quen với nó”.
M. Planck.

“Nền văn minh của chúng ta chẳng qua là sự tích lũy của tất cả những niềm mơ ước đã được thể hiện trong thực tế qua hàng bao thế kỷ và nếu như loài người không ước mơ, quay lưng lại với sự kỳ diệu của Vũ Trụ, thì đó là dấu hiệu suy thoái của loài người”.
Clac

Loài người chỉ có thể nhận thức được nhờ có quan sát trực giác và phải thông qua khái niệm. Lúc đầu là đặt tên gọi, “gắn nhãn mác” cho các sự vật - hiện tượng để phân biệt chúng, rồi thì phải định nghĩa chúng trên cơ sở những tính chất đặc thù nào đó của sự vật - hiện tượng mà họ quan sát thấy được để tiếp tục tìm hiểu chúng cũng như trong việc đúc kết kinh nghiệm tri thức để phổ biến và truyền thụ đời này qua đời khác. Chính cái biểu hiện nước đôi phân biệt được và không phân biệt được, vừa thế này và vừa thế kia của Thực Tại khách quan đã buộc loài người ngay từ đầu phải đặt ra những qui ước. Những qui ước ấy là sự “thỏa thuận có lý” giữa biểu hiện của khách quan và ý chí của chủ quan. Một cách tự nhiên, quá trình nhận thức của loài người sẽ làm cho hệ thống khái niệm và qui ước ngày một mở rộng và phong phú để có thể “tải” được những kiến thức mà họ đã gặt hái được. Nhờ có sự tác động trở lại của hệ thống khái niệm và qui ước đã được tăng cường đó mà đến lượt nhận thức của loài người tiếp tục phát triển lên trình độ cao hơn, sâu sắc hơn về Thực Tại khách quan. Lúc này trước mặt loài người không còn là Thực Tại khách quan “thiển cận” thuở ban đầu nữa mà là một Thực Tại khách quan ngày một rộng lớn và sâu xa hơn nhiều, không những chỉ là một Vũ Trụ thực ngày một trong sáng hơn mà còn cả một Vũ Trụ ảo đang chuyển hóa thành. Và cũng lúc này, quan sát trực giác của loài người không còn có tính đơn thuần nữa mà gồm hai bộ phận tương đối rõ ràng là quan sát trực giác thông thường và quan sát (tạm gọi là) suy tưởng. Có thể nói: quan sát suy tưởng là quan sát trực giác một Thực Tại ảo đã được hình thành nhờ nhận thức quá khứ và đã chuyển hóa thành như một Thực Tại khách quan mà quan sát trực giác thông thường khó lòng “nhìn thấy” được.

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Kể chuyện đi Lào bằng ô tô (2)



(Tiếp theo và hết)

Ngày 4: Viên Chăn – Luang Phrabang


Chuẩn bị cho ngày di chuyển gần 400km nên phải nạp đầy bình nhiên liệu. Cây xăng ở đây chỉ bán hai thứ: xăng - regular (màu đỏ) và dầu - diesel (màu xanh). Tuy nhiên, do người Lào dùng khá nhiều xe dầu nên nếu không dặn trước, người bán cứ vô tư xả dầu vào xe. Vậy nên khi mua xăng, chú ý nói với người bán loại nhiên liệu mua. Cẩn thận không bao giờ thừa!

Một cây xăng ở Viên Chăn

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 38/b




PHẦN IV:     BÁU VẬT

“Lạc vào cõi mộng Tự Nhiên
Thẫn thờ một bóng giữa miền Siêu Linh
Nhặt lên hòn ngọc bí huyền
Mắt ai thăm thẳm đắm nhìn mắt ai.”
Thầy Cãi

CHƯƠNG V: KỲ HOA

“Chúng ta ngưỡng mộ Hy Lạp cổ đại như là cái nôi của nền khoa học phương Tây. Ở đó, lần đầu tiên hình học Ơclit được xây dựng. Đó là sự kỳ diệu của trí tuệ, là hệ thống logic mà những kết quả của nó suy ra cái này từ cái kia một cách chính xác, đến nỗi không ai có thể nghi ngờ điều gì”.
A. Anhxtanh

“Hình học có hai bảo vật, một là Định lý Pitago, bảo vật kia là Định lý tích trung bằng tích ngoại. Ta có thể so sánh cái thứ nhất với một lượng vàng và có thể gọi cái thứ hai là viên ngọc quí”.
J. Keple

(tiếp theo)
Vui chút thế thôi, bây giờ chúng ta sẽ quay lại xem xét lần nữa việc chia đoạn thẳng thỏa mãn điều kiện tích trung bằng tích ngoại.
Trước hết, chúng ta sẽ vẽ lại đoạn thẳng OA của hình 2:
Điểm B nằm tại vị trí thỏa mãn điều kiện tích trung bằng tích ngoại, nghĩa là:
                 

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 38/a



THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG (IV)



PHẦN IV:     BÁU VẬT

“Lạc vào cõi mộng Tự Nhiên
Thẫn thờ một bóng giữa miền Siêu Linh
Nhặt lên hòn ngọc bí huyền
Mắt ai thăm thẳm đắm nhìn mắt ai.”
Thầy Cãi

CHƯƠNG V: KỲ HOA

“Chúng ta ngưỡng mộ Hy Lạp cổ đại như là cái nôi của nền khoa học phương Tây. Ở đó, lần đầu tiên hình học Ơclit được xây dựng. Đó là sự kỳ diệu của trí tuệ, là hệ thống logic mà những kết quả của nó suy ra cái này từ cái kia một cách chính xác, đến nỗi không ai có thể nghi ngờ điều gì”.
A. Anhxtanh

“Hình học có hai bảo vật, một là Định lý Pitago, bảo vật kia là Định lý tích trung bằng tích ngoại. Ta có thể so sánh cái thứ nhất với một lượng vàng và có thể gọi cái thứ hai là viên ngọc quí”.
J. Keple

Định lý Pitago phát biểu rằng: “Đối với một tam giác vuông thì tổng bình phương hai cạnh góc vuông bằng bình phương của cạnh huyền”.
Định lý này tuy gắn liền với tên tuổi nhà toán học Pitago nhưng đã được người Babylon cổ và người Trung Hoa cổ sử dụng hơn 1000 năm trước đó. Chúng ta còn cho rằng người Việt cổ thời Hùng Vương cũng đã biết nó từ lâu.
Để chứng minh định lý này, chúng ta hãy xem hình 1 với những ký hiệu các cạnh dưới đây:

Hình1: Minh họa chứng minh Định lý Pitago
Có thể tính diện tích hình vuông lớn bằng hai cách là:
                 
Với S1 và S2 đều là diện tích hình vuông lớn nên:
                 
Do đó:       
Trong Vũ Trụ số, chúng ta thấy rằng biểu thức trên không phải bao giờ cũng đúng đối với số tự nhiên, nhưng ở đây, trong Vũ Trụ hình học, thì biểu thức đúng với tất cả mọi tam giác vuông được xác định chắc chắn bằng thước kẻ và compa.
Có thể rằng người châu Á cổ đại đã đụng chạm đến số vô tỷ nhưng chưa đủ năng lực trí tuệ để nhận thức nên đã “tránh xa” và không “dám” nhắc tới nó. Do đó mà mãi đến thế kỷ V TCN, nó mới chính thức được phát hiện bởi nhà toán học Hy Lạp tên là Hippasus. Trước sự phát hiện này, các đồ đệ của trường phái Pitago đã vô cùng sửng sốt và khiếp đảm, bởi vì nó đe dọa một sự phá hoại ghê gớm đến quan niệm về một thế giới được xây dựng trên nền tảng của những con số nguyên cùng với những mối quan hệ tỷ lệ nào đó giữa chúng. Họ đã không thể nào “nuốt trôi” được sự hiện diện của số vô tỷ nên đã giấu nhẹm sự phát hiện ra nó, hoàn toàn giữ bí mật và cho rằng đó chỉ là một thứ hỏng hóc của Vũ Trụ.
Sự phát hiện ra số vô tỷ dẫn đến sự khám phá ra tính vô ước (tính không có ước số chung, tính không so sánh được với nhau giữa các đoạn thẳng). Vào khoảng năm 300, nhà triết học kiêm sử học Iamblichus đã mô tả sự phản ứng dữ dội trong trường phái Pitago đối với khám phá này: “Họ bảo rằng người đầu tiên hé mở về tính thông ước và tính vô ước cho những ai không xứng đáng để sẻ chia lý thuyết ấy, người đó sẽ bị ghét bỏ đến nỗi không chỉ bị trục xuất khỏi hội đoàn mà thậm chí nấm mồ của hắn ta cũng bị dựng lên như thể kẻ đó đã bị tách khỏi cuộc sống giữa loài người”.

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Bước qua cổng Parabol







Bước qua cổng Parabol

...
Tháng 5/1970, Trường Nguyễn Văn Trỗi giải tán, tôi đã học xong lớp 9 phổ thông (hệ 10 năm). Về nhà, chúng tôi được giới thiệu xin học ở các trường phổ thông cấp Ba.

Theo bạn bè, tôi xin vào học trường Phổ thông cấp III Chu Văn An, song có lẽ do tôi ở Khu Hoàn Kiếm nên được chuyển về học ở trường cấp III Nguyễn Trãi (ở phố Giang Văn Minh hiện nay – đối diện với Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc). Vì một thời gian ngắn ngủi, với tính tình nhút nhát nên tôi cũng ít giao du với các bạn cùng lớp và cũng có rất ít kỷ niệm trong thời gian này. Tôi chỉ nhớ có mấy điểm ấn tượng: thầy dạy Văn chúng tôi tên là thầy Văn Tâm – ông luôn ăn mặc chải chuốt khi đứng lớp, quần áo lịch sự mặc dù không mới. Nghe nói ông cũng có dính dáng tới vụ Nhân Văn… Nhưng cái chính là tôi học văn dốt, hình như cuối năm có 3,5 điểm trung bình môn này. Cô dạy sinh vật có khuôn mặt tròn, không ưa nhìn lắm. Cái miệng cô khi nói trông như đang đùn cơm ra khi ăn vì đôi môi dày và cái miệng rộng. Tôi nhớ nhất câu nói khi cô giảng: “ … con người biết ăn thịt chín và nhiều thức ăn ngon nên dần đẹp ra …” và nghĩ “Thế sao cô không đẹp ra?”. Còn cô giáo chủ nhiệm lớp tên là cô Mận – dạy môn Lịch sử. Cô có vẻ quý mến bọn học sinh trường Trỗi chúng tôi (vì cô cũng có thằng con học ở Trỗi). Tôi nhớ có lần đi lao động giúp dân ở Mễ Trì, tức là về nông thôn, ở nhà dân và hàng ngày đi lao động giúp dân, chúng tôi được cô giao một nhiệm vụ gì đó rất bí mật: có thì thào bàn tán và theo dõi… Cùng học lớp 10 ở trường Nguyễn Trãi có bạn Việt Dũng và Lương Ngọc. Dạo ấy, tôi hay qua lại đi chơi với các bạn. Các bạn đều ở phố Lý Nam Đế, và đều có vấn đề về đầu tóc: Dũng “trọc” và Ngọc "mốc".

Sau khi học xong lớp 10, thời ấy đương nhiên là thi vào Đại học. Tôi thi vào ngành kỹ thuật và kết quả là được vào Đại học Bách khoa Hà Nội và học Khoa Chế tạo máy (cơ khí). Năm ấy, thí sinh thi vào Bách khoa thì ký hiệu số báo danh có chữ C ở đầu.
Đoạn này thì kể ra cũng bình thường thôi nếu như không có một sự việc khá phức tạp với tôi. Số là tôi chờ kết quả mãi không thấy tin tức. Bọn bạn thì đã đâu vào đấy cả, mình chờ chưa có giấy báo. Mẹ tôi cũng sốt ruột nhờ ông Chu Phác hỏi. Những năm cha tôi đi B có nhờ, với danh nghĩa cá nhân, ông Chu Phác qua lại giúp đỡ gia đình. Ông Chu Phác lúc đó là thư ký riêng cho ông Vương Thừa Vũ, rồi làm thư ký cho cha tôi từ lúc ở Nam Định.







Khi cha tôi đi B, ông là người thường xuyên qua lại thăm hỏi, chuyển thư quà, tiền của cơ quan gửi cho bà nội tôi ở quê và cho mẹ tôi để nuôi chúng tôi ăn học. Ông Chu Phác đi hỏi Bộ Đại học thì được biết: Tôi đã đạt điểm đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội (tổng số 17,5 điểm trên điểm chuẩn là 15), nhưng vì có đơn tố cáo: những năm ở Nam Định, tôi đã từng tham gia đảng cướp “Rồng Xanh” … nên nhà trường phải để lại chưa thông báo. Ở đây nói thêm: cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960 ở Nam Định có một đám cướp có tổ chức tên là “Rồng Xanh” từng gây ra những vụ cướp của giết người nghiêm trọng. Khi đó, tôi mới khoảng 8, 9 tuổi – tuổi này làm cướp làm sao được? Tất nhiên ông Chu Phác sẽ chất vấn câu này và sau đó tôi được nhanh chóng được gọi tập trung vào trường ngay sau đó. Khi vào trường – ngày 30/9/1971 là hạn cuối cùng nhập học cho sinh viên – ông Khôi, giáo vụ của Khoa có ghi vào danh sách nhập học và yêu cầu tôi xác nhận là có mặt từ ngày 15/9 và giải thích là như vậy sẽ được nhận trợ cấp cả tháng 9. Thế này thì ai mà chả thích, tôi cũng dễ dàng chấp nhận mà không hề thắc mắc.

Bước qua cổng trường có hình đường cong Parabol, tôi cũng bỡ ngỡ lắm, chả khác gì mấy anh “nhà quê ra tỉnh”. Thực chất thì tôi là anh nhà quê 100%, mà không phải một quê, nhiều quê là đằng khác. Nhỏ thì ở Nam Định, rồi lên Hà Đông. Đi sơ tán thì khi ở Hiệp Hòa, Bắc Giang, khi ở Đại Từ, Thái Nguyên, sau cùng về vùng Hưng Hóa, Trung Hà mạn Phú Thọ. Mới về Hà Nội ở hơn một năm thì vào Đại học. Nhìn thấy khu trường rộng bao la – lúc đó trường Bách khoa còn nhiều khu đất để hoang lắm, thậm chí con đường đôi chạy từ cổng Parabol ra phố Tạ Quang Bửu bây giờ còn um tùm toàn cây xấu hổ – nhìn những khu giảng đường lớn, cao bốn năm tầng, mà thấy ngợp. Lần đầu được tập trung trong hội trường C2 làm tôi cảm thấy như bị thiếu ô xy, phải mất hàng tiếng đồng hồ sau mới hoàn hồn. Tuy nhiên, sung sướng và hãnh diện lắm, ai hỏi cũng khoe: học Đại học Bách khoa đấy.
Việc học thì chả có gì đáng nói. Học lực của tôi vào cỡ làng nhàng, không ổn định, thi lại cũng vài lần. Năm đầu tiên cũng thi lại hai, ba môn gì đó, là những môn phụ. Những năm sau có khá hơn, có lẽ là đã quen dần với cách thức học mới, nhưng cũng chỉ đạt loại trung bình thôi. Có vài môn đạt điểm cao như vẽ kỹ thuật. Đề bài yêu cầu vẽ hình chiếu thứ 3, thì tôi làm xong lại còn “bonus” thêm cả hình chiếu trục đo nữa. Có môn tôi mù tịt và rất sợ, đó là môn Hình học họa hình, thế mà hai lần thi đều đạt điểm khá. Thế mới lạ. Kết quả sau năm năm học, điểm trung bình là 3,5. Khi nhận đồ án tốt nghiệp, tôi làm chung với vài người bạn nữa: Đạt “dê”, Trương Vĩnh Hý, … Riêng tôi, điểm đồ án tốt nghiệp là 4,75 và đương nhiên theo phép làm tròn là 5. Và rồi tốt nghiệp, đương nhiên là Bằng đỏ rồi. Nghe có vẻ ghê chứ hồi ấy ai học Bách khoa ra thời ấy chả được Bằng đỏ.

Kỳ sau: Tôi bị kỷ luật















0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Kể chuyện đi Lào bằng ô tô (1)



Nước Lào kéo dài từ Bắc đến Nam, cùng chung đường biên giới Quốc gia với Việt Nam từ Lai Châu cho đến Kon Tum. Các điểm thăm quan nổi tiếng thế giới của Lào có cố đô Luang Prabang – một trong số 2 di sản thế giới của Lào (một di sản thế giới khác là Wat Phou ở tỉnh Champasak thuộc Nam Lào bên bờ sông Mê Kong). Thành phố Phonsavanh của tỉnh Xiêng Khoảng có cánh đồng Chum nổi tiếng và thủ đô Viên Chăn. Vì thế, chúng tôi chọn hành trình Hà Nội – cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) – Viên Chăn – Luang Prabang – Phonsavanh – cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An) – Hà Nội. Quãng đường di chuyển dài khoảng 2000 km.

Công tác chuẩn bị được tiến hành gấp rút. Trước tiên phải làm giấy phép liên vận (transit) cho xe, ghi rõ cửa khẩu xuất và nhập cảnh. Thủ tục này không khó khăn lắm, có thể tải 2 mẫu văn bản từ trên mạng để khai trước. Sau một tuần là có ngay giấy tờ cần thiết: một tờ giấy dán lên kính và một cuốn sổ nhỏ giống như cuốn hộ chiếu. Tiếp theo là lập hành trình chuyến đi: tìm hiểu đường xá, cách đi, những lưu ý trên đường. Sau đó tìm hiểu nơi nghỉ đêm, chỗ nghỉ ăn uống, v.v… cũng như nhưng chỗ tham quan đáng lưu ý. Đến sát ngày đi, chuẩn bị thêm hậu cần như chuẩn bị cho xe (xăng dầu mỡ, lốp dự phòng, dụng cụ đồ nghề và giấy tờ xe mang theo) và cho người như nước uống (kể cả nước khi cần đổ két nước cho xe), mì ăn liền, kẹo bánh, trái cây, thuốc men các loại. Chúng tôi còn mang theo cả ấm đun nước siêu tốc theo như gợi ý của các đoàn đi trước.

Bản đồ hành trình dự kiến của chuyến đi

1 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Những năm tháng ở trường Văn hóa Quân đội (4. Hưng Hóa)








Hưng Hóa


đây đến tháng 8 năm 1968, chúng tôi được về nước. Sau khi được về nhà vài ngày với gia đình, chúng tôi lại tập trung lên trường ở địa điểm đầu bến phà Trung Hà (nay là Trường Sơ cấp Kỹ thuật Công binh). Rồi sau đó lại chuyển quân sang Hưng Hóa. Hôm chuyển quân, chúng tôi ngồi yên vị trên chiếc xe Hải Âu đậu sẵn ngoài sân, đầu xe hướng ra cổng. Chẳng biết bác tài đi đâu, bất ngờ chiếc xe từ từ trôi xuống dốc hướng về phía cổng. Gọi là cổng nhưng đó chỉ là hai cái cột to xây bằng gạch. Trong khi cả lũ hoảng sợ chưa biết xử lý ra sao thì một bạn đã lao lên chỗ lái xe, giật mạnh cần phanh tay. Xe khựng lại trong bàng hoàng của cả xe và sau khi hoàn hồn thì nhận ra bạn Trần Thành Công. Tôi và những bạn trên xe nể phục bạn từ đấy.

Trường chúng tôi thời gian này ở trong doanh trại của một trung đoàn Công binh đã đi phục vụ chiến đấu xa. Thẳng cổng vào phải đi qua một khoảng sân lớn như sân đá bóng, đến nhà của hiệu bộ, sau đó đến hai dãy nhà chúng tôi ở và lớp học. Cuối hai dãy nhà này là một nhà hai tầng để làm gì tôi quên mất rồi. Sau nhà này là dãy nhà ăn một tầng dài suốt chiều ngang doanh trại. Ở đầu nhà ăn có giếng nước rất mát và luôn có nhiều nước kể cả mùa khô. Chúng tôi thường kéo nhau vào đây tắm giặt kể cả khi giếng nước cạnh nhà có nước cũng như khi nó cạn kiệt. Khu vực ở và sinh hoạt của chúng tôi là hai dãy nhà hai tầng khang trang, cầu thang lên xuống ở hai đầu hồi. Chúng tôi ngủ trên gác hai, học dưới nhà. Gường là tấm phản và kê hai cái chân mễ hai đầu. Bàn ghế trong lớp học được kê bằng các thanh dầm cầu phao bằng gỗ thông vuông vắn dài hết chiều ngang lớp học, một thanh dầm làm bàn, một thanh dầm làm ghế.

Cuộc sống của chúng tôi ở đây là tương đối ổn định nhất từ khi thành lập trường. Chúng tôi được học thêm nhiều môn học đặc thù quân sự như một chiến sĩ thực thụ: tập sử dụng vũ khí, tập võ, … Lúc này, có thầy Hồng Tuyến dạy nhạc đã sáng tác bài hát Sinh ra trong khói lửa – sau này là “Trường ca”, rồi tập văn nghệ và biểu diễn ở sân trường trong các đợt kỷ niệm. Dạo này, tôi cũng tham gia hát hò ở nhóm tốp ca và hay được phân công đi bè. Chả thế mà một dịp, trong một buổi giao lưu bia bọt, bạn Đăng Sơn giới thiệu: Bạn này ngày xưa hay hát lắm! Lũ lính tráng cơ quan tôi ngạc nhiên vì những lần đi karaoke tôi toàn hát bằng… tay.

Ở Hưng Hóa, Trường còn có đội bóng đá. Thỉnh thoảng tổ chức thi đấu giao hữu với đơn vị hay cơ quan xung quanh. Có một trận đá bóng mà kết quả ra sao tôi không nhớ, chỉ nhớ là có đánh nhau. Cầu thủ của trường là Đức Dũng (sau này là cầu thủ của đội Công an Hà Nội) đá hay và võ cũng hay (kín, trọng tài không thấy). Cầu thủ đối phương tức quá đấm lại vừa thô vừa lộ nên bị khán giả phản ứng la ó và trọng tài cảnh cáo… Nói chung rất sôi động.

Chúng tôi đóng quân ở giữa thị trấn, ra ngoài cổng là phố huyện rồi. Được ra ngoài thế nào tôi cũng kiếm hàng quà chén vài quả chuối – chuối ở đây thì tuyệt rồi, và chén một hai quả trứng luộc tùy theo túi tiền. Còn đi chơi thì chẳng có chỗ nào hay. Phố xá lèo tèo vắng vẻ. Mỗi lần ra phố thế nào tôi cũng vào cửa hàng bách hóa, ngay sát hàng rào của trường. Xem hàng hóa thì ít mà ngắm cô bán hàng thì nhiều vì nghe bàn tán là thầy Núi dạy chúng tôi sắp cưới cô mậu dịch viên.

Hè năm 1969, cha tôi từ chiến trường ra Hà Nội họp, rồi sau đó ở lại cho đến sau ngày Bác Hồ mất. Tôi được đón về chơi với gia đình gần một tuần lễ nhưng sau khi lên trường vẫn muốn “chuồn” về. Thế là tôi lên “kế hoạch” tẩu thoát. Một ngày, tôi lẻn ra khỏi doanh trại từ sớm, đón chiếc xe đạp từ một người anh họ đang công tác gần đấy. Lên xe và đạp ngay về Hà Nội. Đến khoảng buổi trưa thì về đến nhà – lúc đó, cha tôi ở nhà khách số 7, Nguyễn Cảnh Chân. Quãng đường hơn 70 km chả làm tôi mệt, duy chỉ có hai mông ê ẩm mấy ngày sau. Tất nhiên là tôi nói dối trôi chảy là được nghỉ về thăm cha từ chiến trường ra – nghe rất có lý.











Nhưng sau hai ba ngày, tôi nhận thấy bất an, lo nhà trường cử người đi tìm thì lộ chân tướng là “trốn trại”. Tôi trở lại trường và chịu án kỷ luật cảnh cáo, tất nhiên là lại đạp xe thôi.

Sống tập thể kiểu gì thì cũng có chút va chạm. Nhẹ thì cãi nhau, nặng thì không chơi với nhau, thậm chí… đánh nhau. Mặc dù suốt những năm ở trường, tôi rất ngoan hiền, lớn lên ra công tác luôn tự kiểm điểm “e dè nể nang”, nhưng thực chất là rất mặc cảm, tự ty, hèn nhát. Thế mà dạo đó, cũng đánh nhau một trận. Lý do thì cũng vớ vẩn, trận đánh cũng chỉ diễn ra chừng vài chục giây, ở chỗ đông người nên được can ngăn kịp thời. Nhưng đến tận bây giờ mà chả quên được.

Một chuyện đáng nhớ nữa là năm học này tôi có làm đơn xin vào Đoàn. Đơn nộp rồi, Kim Hồ - Bí thư Đoàn, trả lại và hướng dẫn viết theo mẫu quy định. Được vào Đoàn rồi, nhưng dạo đó đi sinh hoạt cứ như các cụ hoạt động bí mật ngày xưa. Chả nhớ nội dung họp hành có âm mưu gì không nhưng luôn bị “khủng bố”, thường thì đang họp trong lớp, bên ngoài gạch đá ném uỳnh uỵch!

Kết thúc năm học vào hè năm 1970 cùng lúc giải tán Trường Văn hóa Quân đội. Năm đó tôi cũng học xong lớp 9 theo chương trình phổ thông 10 lớp. Cùng các bạn, tôi tiếp tục theo học nốt lớp 10 tại các trường cấp III ở Hà Nội. Rời khỏi trường, chia tay bạn bè và nhất là xa các thầy cô, cán bộ nhà trường mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn giữ những tình cảm tốt đẹp nhất về những năm tháng của tuổi niên thiếu. Nhớ mãi những người thầy tận tâm như thầy Tiệp dạy Toán ở Đại Từ, thày Ninh làm Chủ nhiệm lớp tôi. Sau này, khi còn công tác tôi có gặp thày vài lần ở Nhà máy Z176 – Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Hoặc nhớ mãi thày Tô Ngọc Cừ dạy môn Lịch sử. Hồi ở Quế Lâm dẫn tôi và Tuấn Quảng đi chụp ảnh kỷ niệm mà cho đến nay tôi vẫn còn giữ được những tấm ảnh từ thời ấy.

Viết từ 2009, hoàn chỉnh 12/2014


Kỳ sau: Bước qua cổng Parabol















0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Tin buồn - Lễ tang mẹ các bạn Hữu Thọ, Hiếu Thiện




Cụ bà Hoàng Thị Ái Hoát
thân mẫu anh Nguyễn Hữu Dũng K3, các bạn Hữu Thọ

Nguyễn Hữu Thọ


Thọ ghe


1965

, Hiếu Thiện

Nguyễn Hiếu Thiện


Thiện C11
0936 993 969
Tam đảo

, Hữu Vinh (Ba Sàm)

Nguyễn Hữu Vinh



,
Do tuổi cao sức yếu đã từ trần hồi 0 giờ ngày 05/01/2014 tại Hà Nội. Hưởng thọ 95 tuổi.

Lễ viếng: từ 7h30′, thứ Hai ngày 12/01/2015 (tức ngày 22 tháng 11 năm Giáp Ngọ)
Địa điểm: tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ truy điệu và đưa tang lúc 9h15′ cùng ngày.
Hóa thân về cõi vĩnh hằng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ HN.

Theo tin Ba Sàm

Các bạn K6 lưu ý, lễ viếng mẹ bạn Thọ và Thiện k6 vào hồi 7-9g sáng thứ 2 tại nhà tang lễ Bv 108. Giờ viếng hỏi bạn Vũ Biên.

Xin thành kính chia buồn cùng anh Nguyễn Hữu Dũng K3, các bạn Hữu Thọ, Hiếu Thiện, Hữu Vinh (Ba Sàm) và gia đình.






Bạn Trỗi tiễn đưa mẹ anh Nguyễn Hữu Dũng K3, các bạn Hữu Thọ, Hiếu Thiện, Hữu Vinh về nơi an nghỉ cuối cùng

Ảnh, video ngcuong50


Các con của Cụ hôm nay có mặt 3 (Dũng Thiện Thọ) và thằng cháu đích tôn (cuối hàng). Vắng con trai út Nguyễn Hữu Vinh.
FB Tất Thành Phan



1 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Du xuân Hà Giang




Hà Giang là tỉnh miền núi phía Bắc, cách Hà Nội chừng 300 km. Hà Giang được thế giới biết đến vì có cao nguyên đá rộng lớn với nhiều phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những con người hồn nhiên và quả cảm, và cả những món ăn đặc biệt.

Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ tôi có thực hiện chuyến đi 4 ngày 3 đêm theo hành trình từ Hà Nội đi Hà GiangThị trấn Đồng Văn rồi quay về.


Từ Hà Nội lên Tuyên Quang, tôi đi theo cao tốc Nội Bài – Lào Cai, nhưng đến lối ra thị xã Vĩnh Yên thì vào QL 2 B một đoạn rồi rẽ trái vào đường Hợp Châu – Đồng Tĩnh. Sau đó, đi theo QL 2 C đến Thị trấn Sơn Dương và rẽ trái vào QL 37 đến TP Tuyên Quang.

Bản đồ đường đi

3 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

"... Học thì không bao giờ hết, đánh Mỹ chỉ có dịp này"

Một thời ...

Báo Hà Nội Mới Tháng 9 năm 1971


FB Trung Le




0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Những năm tháng ở trường Văn hóa Quân đội (3. Quế Lâm)










Những ngày ở Quế Lâm


Đầu năm 1967, chúng tôi được về Hà Nội nghỉ vài ngày vào dịp Tết Nguyên đán. Sau đó chúng tôi tập trung tại một trường học gần ga Hàng Cỏ. Buổi tối, chúng tôi được đưa lên tầu hỏa và chạy lên phía Bắc. Được biết là phải đi xa và không hẹn ngày trở lại, nên tôi bỗng xao xuyến lạ, nỗi thương mẹ, nhớ các em trào dâng khi đã ngồi im trên toa tàu hỏa tối om. Tầu chạy qua gác chắn tầu phố Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ, rồi qua Trần Phú, qua khung cửa sổ, có nhiều bà mẹ sau khi đưa con ra ga, chờ đợi để vẫy con lần cuối. Tôi chứng kiến những cảnh đó mà nước mắt cứ trào ra, phần buồn, phần tủi thân vì đêm đó mẹ tôi chỉ đưa tôi đến chỗ tập trung rồi tất tả quay lại cơ quan làm việc.

Sáng hôm sau, chúng tôi được chuyển sang tàu hỏa Trung Quốc. Lên tàu Trung Quốc chúng tôi được nằm gường có đệm, vải ga trắng muốt và thơm phức. Nhớ nhất là được phát mấy quả táo Tầu nho nhỏ nhưng ăn rất ngọt và thơm. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác này mặc dù đã ăn đủ loại táo Mỹ, Nhật… tại ngay đất nước của họ. Tầu chạy miết, tới sáng hôm sau mới đến Quế Lâm. Các bạn Trung Quốc đã đón tiếp chúng tôi thân mật như trong gia đình. Về khoản này người Trung Quốc thể hiện giỏi nhất thế giới. Sau đó, chúng tôi được đưa về một khu trường học bên cạnh dòng Ly Giang. Nhà trường có tên là Y Trung – trường Trung học số 1 Quế Lâm, một ngôi trường cũ giống như những ngôi nhà dân cư bình thường lâu đời ở Trung Quốc. Các dãy nhà một tầng xây gạch, mái ngói vẩy cá màu xám, sắp xếp ngay ngắn thành hàng lối. Lớp chúng tôi được xếp vào một dãy nhà chạy dọc theo con đường chính dẫn từ cổng vào, qua nhà ăn và đi thẳng đến nhà Hiệu bộ - một ngôi nhà 2 tầng nhỏ - trông thẳng ra sân vận động. Tôi nhớ bên cạnh nhà hiệu bộ có cái ao và trên mặt ao có một cái nhà vệ sinh – đúng kiểu “cầu tõm”. Tôi cũng từng ra đó “thả bom” mấy lần. Sau những lần đó, có thêm kinh nghiệm: Nếu không nhanh nhổm lên dễ bị nước dưới ao bắn vào người.

Nhà ăn là một hội trường lớn, ngày thường là nơi chúng tôi tập trung các bữa ăn. Còn buổi tối, thỉnh thoảng nhà trường tổ chức chiếu phim hay biểu diễn văn nghệ ở đây. Sang đây, nhà trường đem theo đầy đủ các bộ phận: Ban Giám hiệu, giáo viên, quản lý học viên, quân y… cho đến anh nuôi. Thời gian ở đây chúng tôi ăn cơm như ở Việt Nam. Chỉ có khác là cơm được nấu bằng hơi: gạo cho vào những cái khay bằng nhôm, xếp trong buồng kín. Sau đó, xả hơi nóng từ lò hơi vào cho đến khi chín. Vì vậy, khi chia cơm, mỗi chúng tôi được một tảng cơm vuông vắn, không có cháy. Lúc đó, thay vì bát ăn ở Việt Nam, mỗi người có một cái bát sắt tráng men to (gọi là bát B52) và một cái thìa nhôm. Thức ăn thì cũng xào nấu như ở Việt Nam nhưng chỉ khác là thực phẩm của địa phương. Duy món ăn tôi nhớ nhất là món “chao”. Mùi thum thủm, ăn chua chua, mặn mặn, rất được cơm.

Chiều chiều, hết giờ học chúng tôi ra sân vận động của trường để chơi thể thao. Khoái nhất là có trò chơi làm tầu lượn và đem ra sân này thả. Đồ chơi là các mảnh gỗ đã chế tạo sẵn, chỉ việc lắp ghép theo sơ đồ và dùng keo dán lại. Lưu ý chỗ dán hai cái cánh là quyết định nhất (bay hay không bay được) và khó làm nhất. Khi khô keo, tàu lượn được phóng thử bằng tay, nếu bay cân và hạ từ từ là được. Trong bộ đồ có sợi dây cao su mềm, mắc tàu lượn vào một đầu dây và kéo mạnh rồi thả nhanh tay như kiểu bắn của súng cao su. Tầu lượn lao vút lên trời, khi hết đà nó từ từ lượn vài vòng rồi hạ cánh. Nếu tiếp đất tốt, tầu lượn có thể chơi vài lần. Nhưng thường thì khi hạ cánh, tầu lượn hay va cánh vào nền đất, vào cây, vào đá… nên gãy tan tành. Khi đó, muốn chơi tiếp, phải dán lại. Cũng có khi sau khi được phóng đi, tầu lượn bổ nhào luôn và vỡ vụn.

Mùa hè đầu tiên, chúng tôi ra sông Ly chơi. Dòng nước sông Ly mùa này trong vắt, có thể nhìn thấy rong rêu dưới đáy. Nhiều lần cao hứng, chúng tôi còn nhảy xuống bơi lội qua sông sang những vườn trái cây ở giữa sông hoặc tận bờ bên kia. Một lần, tôi đang vượt sông thì bị dòng nước vừa lạnh vừa chảy xiết cuốn đi, hai chân bị chuột rút cứng đơ. Trong lúc chìm dần, tôi còn nhìn thấy khuôn mặt một ông già ngó xuống qua thành chiếc thuyền ngược dòng, chỉ nhìn mà không hành động gì… May sao, lúc đó bạn Việt Hùng “đỉa” đỡ tôi đưa vào bờ. Thế là thoát chết! Sau này tôi mới được giải thích là khi thấy người sắp chết đuối, dân thuyền chài không bao giờ cứu!

Chúng tôi ở ngay trung tâm thành phố Quế Lâm. Từ trường ra công viên Thất tinh gần 1 km, nhưng chúng tôi không được tự do đi chơi.












Ngày chủ nhật, ngày nghỉ mới được ra phố mà phải đi thành nhóm, có giáo viên đi kèm. Mỗi lần được đi chơi thì thích lắm. Nào là thăm các hang động ở Quế Lâm – thành phố du lịch nổi tiếng có nhiều hang động. Khi xuống động Thất Tinh phải mặc áo bông. Suốt chiều dài của động là rất nhiều phong cảnh được chiếu đèn màu rực rỡ. Ra bách hóa Đại Lầu, ngắm những hàng hóa phong phú về hình thức và màu sắc sặc sỡ vui mắt. Đi thuyền trên sông Ly, ngắm núi non, xem chim cốc bắt cá của thuyền chài… Nhưng thích nhất là những lần đi chơi tự do.

Có lần chúng tôi ra sông Ly tắm và đi xa lắm mãi vùng ngoại thành nơi những vườn cây ăn quả, nhiều nhất là cam, quýt, đào,… thật thú vị cái cảnh một mình giữa thiên nhiên bao la, muốn ăn là… vặt. Tôi tham gia mấy vụ rất tích cực, khi thì bẻ cam, lúc thì hái đào,…. Có một buổi tối, chui vào một nhà dân ở ngay cổng trường hái một chậu thau to đầy quýt. Mang về giấu vào tủ dưới gầm gường tầng dưới, leo lên tầng trên đi ngủ. Mùi hăng hắc của quýt xanh nhanh chóng lan ra khắp phòng ngủ. Thế là bị phát hiện! Một lần theo bạn bè “đi tuần” vào buổi đêm, băng qua nhiều vườn rau, nhưng vì tối chẳng biết phương hướng đâu mà lần. Đi mãi lọt vào khu vườn cây bò sát mặt đất, có mấy quả tròn tròn nằm trên mặt đất. Một bạn nhanh tay vặt một quả, đập vỡ đôi và reo lên: Dưa, dưa chúng mày ơi!... Khi một bạn khác phát hiện không phải dưa mà là bí đỏ thì bạn tôi đã cạp xong nửa quả. Hóa ra bí đỏ non ăn cũng như dưa. Những chuyện này, khi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc xấu đi, tôi thường nói đùa: đã từng “tổ chức phá hoại hậu phương” của địch!

Một tối, “trinh sát” của chúng tôi cho biết là bữa sáng mai, cả trường ăn chè đậu xanh. Rủ nhau đột nhập nhà bếp, bê một khay đậu xanh bung dừ và múc một chậu đường, mang vào một cái hang sau nhà ăn. Ăn không hết, vứt lại trong hang rồi về ngủ. Khi chúng tôi về đến nhà ngủ, thấy dưới ánh đèn đỏ quạch, có bóng người ngồi ở bậc thang trước cửa. Đến gần thì ra thầy Ninh đang nhìn chằm chằm vào chúng tôi, mắt vằn đỏ, nhưng chỉ hỏi nhỏ: Đi đâu về muộn thế! Khuya rồi về ngủ đi! Thì ra nhà bếp phát hiện bị đột nhập, thông báo các lớp điều tra. Chúng tôi hiểu ngay là thầy biết tất cả, thầy bực lắm nhưng thầy không mắng, thế mà chúng tôi ân hận mãi.

Những trò chúng tôi làm hóa ra chỉ là vặt vãnh so với vụ sau: Nhân viên một phòng thí nghiệm của trường Trung học phát hiện bị đột nhập vào phòng và lấy mất dụng cụ giữ chuẩn gì đó - tôi không nhớ, nhưng rất giá trị,  Trung Quốc chưa làm được, phải mua từ nước ngoài. Sau đó, nghe kể là họ thông báo cho xin lại, chứ không dám tổ chức điều tra thủ phạm.

Ngoài những chuyện nghịch ngợm như thế, thời gian ở đây còn có những vụ học trò đánh nhau, rồi chuyện phe phái “bồ Ta, bồ Tây”. Tôi cũng không biết tường tận vụ này, nhưng một lần trong khi vừa tan một buổi họp toàn trường đi về thấy có dao búa gì đó ném từ phía sau lên. May chả trúng người. Nghe nói các bạn ấy giỏi võ thuật lắm! Đối kháng là chỉ thấy các “bồ” múa may quay cuồng trong tiếng suýt xoa, trầm trồ thán phục của người hiếu kỳ!

Mùa hè năm ấy ở Quế Lâm có dịch viêm màng não. Nghe giải thích thì vi rút bệnh này do một loài chim di cư đem đến. Có một số học sinh của trường bị mắc bệnh, rồi nghe thông báo có bạn đã chết. Tình hình lúc đó khá căng thẳng, còn hơn chiến tranh ở trong nước. Hàng ngày chúng tôi phải uống thuốc phòng bệnh, không được đi lại, xung quanh nhà ở được phun thuốc…

Trở lại Quế Lâm, tháng Năm 2010


Tháng 8 năm 1967, chúng tôi chuyển sang một khu trường mới xây ở cách xa trung tâm thành phố. Khu trường nằm trong một thung lũng, bao quanh là núi đá lởm chởm. Lúc này cuộc Cách mạng Văn hóa phát triển cực đỉnh, xung đột liên tiếp xảy ra giữa Hồng Vệ binh và các phe phái… dẫn đến nhiều cuộc nổ súng xung quanh trường. Khi vào trường mới, chúng tôi rất hạn chế được ra ngoài, phần vì an ninh, phần vì bên ngoài… chả có gì. Có lúc chúng tôi cũng ra ngoài trinh sát, đi mấy cây số chỉ thấy núi đá, ngoài mấy cây sim, cây mua dại thì chả có cái gì cho vào mồm được.

Lúc này chuẩn bị vào mùa đông, mà ở sâu trong núi đá thì trời rất lạnh. Dân quanh vùng phải mặc đủ thứ quần áo ấm mới chống chọi được. Lần đầu tiên tôi thấy cái quần bông, tức là quần được trần bông như áo bông ta mặc. Quân trang năm đó cấp cho chúng tôi mỗi người một cái áo bông dày, có cổ lông trông rất đẹp. Và mùa đông ở trường mới đến năm đó có vài ngày tuyết rơi thật sự. Một lớp tuyết mỏng rải đều trên sân trường và tan ra khi trời nắng lên. Được biết là năm đó đặc biệt rét và lại có tuyết, là hiện tượng không thường xuyên có ở đây. Chúng tôi được cấp cả than hoa để sưởi. Thường thì để trong cái chậu lớn đưa vào trong lớp học, phòng ngủ, nhưng mấy thằng nghịch ngợm chúng tôi đã “sáng tạo” ra một loại mini – loại lò sưởi cá nhân – từ những chiếc lon sắt tây có buộc dây thép làm tay xách. Khi nhóm lò, chỉ cần đặt viên than nhỏ vào lon sắt, cầm đầu dây thép quay vài vòng là sưởi được ngay. Lò mini luôn được mang theo người trong những ngày giá rét.

Vì loanh quanh trong trường mãi đâm ra cũng cuồng chân, cuồng tay sinh ra chuyện. Hồi đó, tôi hay cặp kè với một bạn. Hôm đó rủ nhau đi tắm về, bạn khoe có mấy cái quần mới. Mà mới thật, không hỏi ở đâu ra, tôi chọn một cái đẹp nhất, màu xanh tươi rói, xỏ luôn. Vừa ra sân, bạn Tiến Dũng, nhìn cái quần tôi mặc và nhận ra quần của mình. Chẳng hiểu ra sao, tôi vừa hoang mang vừa ngượng ngùng tụt quần trả bạn.

Kỳ sau: Năm học cuối cùng













0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 37




PHẦN IV:     BÁU VẬT

“Lạc vào cõi mộng Tự Nhiên
Thẫn thờ một bóng giữa miền Siêu Linh
Nhặt lên hòn ngọc bí huyền
Mắt ai thăm thẳm đắm nhìn mắt ai.”
Thầy Cãi

CHƯƠNG IV: DỊ THẢO

“Chúa đã tạo ra các số nguyên, tất cả các số còn lại là tác phẩm của con người”.
Leopold Kronecken

“Người biết suy nghĩ tự thích ứng với thế giới; người không biết suy nghĩ cứ khăng khăng làm cho thế giới thích ứng với mình. Vì vậy, mọi tiến bộ đều tùy thuộc vào người không biết suy nghĩ”.
George Bernard Shaw

Quá trình hình thành và phát triển “vượt lên chính mình” của số học còn lưu lại trong lịch sử toán học biết bao nhiêu câu chuyện kỳ thú, cũng như biết bao nhiêu câu đố hóc búa cho đến tận ngày nay vẫn chưa ai giải được.
Cứ mỗi lần giải được một câu thách đố của những thế hệ các nhà toán học đi trước để lại, phần lớn là do bất lực hoặc cũng đôi khi là do muốn… đố thật, toán học coi như tiến được một bước dài hể hả để rồi lại đụng phải những câu thách đố mới không giải được, tiếp tục “nhường” lại cho đời sau. Toán học làm say mê lòng người phải chăng là như thế và tìm đến chân lý được là nhờ cách như thế?

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 36




PHẦN IV:     BÁU VẬT

“Lạc vào cõi mộng Tự Nhiên
Thẫn thờ một bóng giữa miền Siêu Linh
Nhặt lên hòn ngọc bí huyền
Mắt ai thăm thẳm đắm nhìn mắt ai.”
Thầy Cãi

CHƯƠNG III: KIM ÂU

“Không một bài toán nào gây băn khoăn sâu sắc cho loài người bằng bài toán về sự vô cùng. Không một ý tưởng nào có tác động mạnh mẽ lên ý thức bằng ý tưởng về sự vô cùng. Và, cũng không có khái niệm nào lại mù mịt như khái niệm vô cùng”.
D. Gilbert


Như đã nói, số học và hình học là hai bộ phận hợp thành toán học. Chúng là hai thể đối ứng tương phản nên độc lập tương đối so với nhau. Nói như thế không có nghĩa là chúng đối lập hoàn toàn với nhau mà thực ra vì cùng xuất thân từ Thực Tại và có chung một nền tảng nên dù có thể phân biệt được, dù “lưỡng phân” thì trong cái này có cái kia và ngược lại (trong âm có dương và trong dương có âm), hay có thể nói một trong những công cụ của số học là hình học và đồng thời một trong những công cụ của hình học là số học. Nói đến lưỡng phân thì phải nói đến lưỡng hợp, nói đến phân biệt được thì phải nói đến không phân biệt được, đó là đặc tính của Tồn Tại. Do vậy số học và hình học phải hòa hợp với nhau (như đại số tuyến tính, hình học giải tích…) mà thành một thực thể toán học thống nhất, sinh động và biến ảo như mọi sự vật - hiện tượng khác trong cái Thực Tại đích thực lẫn Thực Tại hạng hai (mà từ nay chúng ta đặt tên lại cho chúng là Thực Tại thực và Thực Tại ảo), hay có lẽ, để cho đúng hơn, phải nói là trong Thực Tại hòa quyện cả thực lẫn ảo (vì việc phân ra một cách siêu hình Thực - Ảo là không phù hợp với Thực Tại và chúng ta tạm chấp nhận thế để khỏi xuất hiện… mâu thuẫn).

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>