Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2009

Người Hà Nội - hameok6



hameok6

Hôm rồi đi khám sức khỏe tổng quát. Chuyện “cân, đo, đong, đếm” thì chẳng có gì mà nói. Nhưng chuyện tôi muốn nói lại nằm ở ngoài hành lang.

2 thanh niên HN năm 1971 – Hameo & Quân Chính k6Thấy 1 thằng tóc bạc tới, mấy đứa y tá xăng xái giúp đỡ. 1 đứa cầm lấy giấy ghi giùm tôi: Chú sanh năm nào? Ở đâu? … Hà Nội à. Chú là người Hà Nội? …. Rồi tôi vô phòng khám.

Một hồi sau lại quay trở lại hành lang ngồi chờ các bác sĩ kết luận và đóng dấu cho đúng pháp lý. Lúc này mới thấy mấy đứa y tá ngồi “tám”. Không biết mới có chuyện gì, mà vừa thấy tôi, 1 đứa nói: Đấy, như chú này, người Hà Nội có khác! Chú lúc nào cũng lịch sư, đàng hoàng chớ đâu như ổng, nói khó nghe quá. – Đứa khác quay lại hỏi tôi: Chú ở Hà Nội, ở quận nào vậy chú? – Vâng, tôi ở quận Hai Bà, nhưng vào đây lâu rồi. – Nó quay lại mấy đứa kia: Nghe là biết ngay người Hà Nội, mà đúng là Hà Nội 1. – Tôi hơi “hoảng”, vội hỏi: Xin lỗi mấy cô,… mà có chuyện gì …? – Dạ không có chi. Chỉ bởi hồi nãy có 1 ông cũng nói giọng Bắc, nhưng tụi cháu nghe biết ngay không phải là Hà Nội nên nói vậy thôi.

Câu chuyện dừng ở đây vì tờ giấy đã có dấu đỏ, nên tôi cám ơn và đi về. Song cho tới lúc về tới nhà tôi vẫn thấy “sướng âm ỷ” vì mình là người Hà Nội dù đã đi xa hơn 30 năm rồi.

Hình: 2 thanh niên HN năm 1971 – Hameo & Quân Chính k6


Gửi bởi hameok6 lúc 9:44 SA Thứ bảy, 28 tháng mười một, 2009
Đăng lại bài viết của hameok6 (đã đăng tại Blog "Bạn Trường Trỗi”: Thứ bảy, 28 tháng mười một, 2009)



Xem thêm:
Nhịp đập phố cũ - Trần Trường Chiến K3, 2002. Đã đăng trong "HÀ NỘI 36 GÓC NHÌN", sách do Nhà xuất bản Thanh niên phát hành 11/2005 (Nhiều tác giả). AMK3 giới thiệu tại Blog K3, Thứ tư, ngày 02 tháng mười hai năm 2009.



Hit Counter

1 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

"Ông chủ tịch" - d.đ



d.đ

Những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước ông chủ tịch câu lạc bộ bóng đá "những người bạn" - một dân Trỗi chính hiệu. Khi đó phong độ lắm, tóc tai đen bóng, dầy dặn chứ chả "tóc gió thôi bay" như bây giờ. Tuổi tác mới ngoại băm. Ăn uống tiêu chuẩn sĩ quan trung cấp Nga điều độ. Đá bóng như điên ngoài ra "chân phụ" còn tham gia vài môn thể thao khác.

Thỉnh thoảng ngày nghỉ, hay khi bài vở đã "hòm hòm" ông bạn còn tự nguyện tham gia giúp ban lãnh đạo thành phố phương bắc nơi ông đang học điều tiết hàng hóa và phân phối lại sản phẩm. Cánh "cộng" ta gọi công việc này đơn giản là "chạy chợ". Cụ thể là phân chia váy áo, đồ lót, tất lưới, vòng cổ, mỹ phẩm, chì kẻ mắt ... Nhằm giúp đàn bà con gái thành "Len" giàu, hèn ai ai cũng có tí chút. Để chị em cải thiện nhan sắc.

Nên vì thế kinh tế hắn vững người ngợm phong độ, sức lực sung mãn, tính tình xởi lởi vui vẻ cũng là nhẽ tự nhiên.

Có một mùa hè, chính xác là năm nào không nhớ? Hắn xuống phía nam ghé thăm tôi. Vừa bước chân vào phòng như một chính khách. Sau cái bắt tay đau điếng và hai phát "chạm má". Hắn định "dí" thêm "phát" nữa thì thằng nhà quê tôi đã hất mẹ nó mặt đi hướng khác, mắt chỉ chăm chăm nhìn vào chiếc túi của hắn. Miệng mũi thì thay nhau hắt xì hơi vì chứng dị ứng với dầu thơm từ nách hắn xộc ra

Vứt chiếc túi xách to tướng lên bàn:

- Có quà cho ông đây! Vừa nói hắn vừa kéo xoẹt cái "phẹc" của chiếc túi xách lôi ra lỉnh kỉnh nào Votka Stalitrnaia thứ thiệt, bia lon Phần Lan, nào Dullhil, rồi café hòa tan Braxin ... (Thú thực! tôi chỉ dám nghĩ vụng trong đầu sợ thằng bạn buồn chứ cái anh café Braxin này thơm thì thơm thật, hiếm thì hiếm thật nhưng tôi uống vị của nó cứ chua chua thế nào ấy, nói hơi mất vệ sinh, hệt như cứt mèo).

Tóm lại quà của bạn toàn là hàng độc đối với dân tỉnh lẻ bọn tôi.

Rồi hắn nói tiếp:

- Phải nhờ bọn "nhọ" vào tận "Intersop" mới kiếm được cái này nữa, tặng ông đây? Vừa nói hắn vừa dúi cho tôi một chai nước hoa và một chai thuốc xịt nách hảo hạng dùng cho phụ nữ. Tôi trợn mắt.

- Ông có thần kinh không đấy!

- Chậm hiểu "nắm". Vợ con muộn cũng đáng! Hắn chửi tôi.

- Cái này là của hiếm, tôi tặng ông để rồi ông dùng nó tặng cho con bồ của ông trong tương lai nếu hiện tại trái tim ông vẫn "rỗng". Nghĩa là "Quà tặng chu du ký ". Ông hiểu chưa? Nếu chưa có em nào thì cũng cứ giữ lấy "phòng thân" rồi sẽ cũng có lúc cần tới nó "đới". Ông cứ nghe tôi cất đi. Hắn nói với tôi chân thành của một người bạn thân từng trải cùng cảnh ngộ.

Ngồi cụng Votka với xúc xích, bánh mì đen mới ra lò vỏ dòn còn ruột thì dẻo mịn thơm đến lạ, thêm lọ dưa chuột "Bun" ngâm dấm. Ôi thôi! Mấy thứ này mà lai rai thì "lục tốn nước mắt Nga" lắm. Sau đó nhâm nhi cà phê hít thuốc thơm bên bạn hiền trong cái không khí mát dịu cuối hè nước Nga sao mà "tan nát cả cõi lòng"

- Ông có thích gái Sài gòn ngay tại thành Tver (tên thành phố tôi học) này không? Trong câu chuyện tôi hỏi hắn.

- Ừ! Hay đấy nhỉ! Mắt hắn hấp háy. Tôi cũng đang muốn kiếm một em nếu hợp thì hôn nhân quách đi cho nó xong, cho nó ổn định trước khi về nước.

- Cứ yên trí ở đây chơi với tôi dăm bữa nữa tháng tôi sẽ bố trí biết đâu giời thương se duyên cho ông, nên vợ nên chồng chả biết chừng.

Tiện có căn hộ trống của vợ chồng ông bạn Cuba về nước nghỉ hè để chìa khóa lại cho anh bạn cùng phòng, thế là tôi trưng dụng.

Bàn ăn rộng, giai gái đủ cả. Thằng bạn hào hoa trước khi vào tiệc tặng mỗi em một bông hồng và một chút quà phương bắc. Em nào em ấy cảm động cười rung hết cả phụ tùng xích líp, mắt thì nhắm tịt lại. Nhìn mắt các nàng lúc đó chỉ còn thấy như hai que tăm vắt ngang dưới đôi lông mày cong cong.

Bạn biết nhiều, hay chuyện, lại kể có duyên nên em nào cũng há hốc mồm ra nghe.

Rượu vào, vui quên bố nó nhiệm vụ chính, rủ em đi chơi. Tàn tiệc gọi taxi dìu em đã say khướt cò bợ nhảy lên xe. Vừa yên vị em đã thông thốc "cho chó ăn chè" ngay đít tay tài xế. Thế là đành phải đưa em trở ngược về "Ốp". Hỏng ăn.

Nói thì nói vậy, bạn ở chơi với tôi được hai ba ngày rồi lại quấy quả ra đi chả dám tò mò hỏi. Giời mới biết được bước chân vô định của bạn mình lang thang về những đâu?

Tỏ tình - Tranh giấy - F Lực

Khi tôi về nước bạn lúc đó đã là anh cán bộ trung đoàn. Tới đơn vị thăm bạn thấy rặt đàn bà con gái. Quen miêng!!!

- Sao tuyển lắm gái trẻ thế.

- Ông lên quân lực BTLTTLL mà hỏi.

- Thế này thì tiện quá rồi còn gì. Tha hồ mà kén vợ.

- Ngày xưa khác, bây giờ khác, đau đầu lắm ông ơi! Giữ "nhân cách" còn hơn giữ mả tổ mà vẫn sợ không giữ được đây.

Rồi hắn nhe răng:

- Ông xem răng tôi mòn hết rồi đây này. Lúc nào cũng phải nghiến răng ken két thì đến răng bò cũng mất mẹ nó cả hàm chứ nói gì tới răng người. Hắn lúc nào cũng bông phèng ngay cả lúc nghiêm túc nhất khi chỉ có hai thằng.

Tiện có cái đám cưới của một chiến sỹ gái trong đơn vị bạn mời ở lại dự luôn. Là bạn của cán bộ trung đoàn nên trong tiệc cưới tôi bị chị em đơn vị đon đả quan tâm chăm sóc. Thằng bạn vỗ vai ông trợ lý quân lực ngồi bên giới thiệu :

- Đây là bạn tôi, chưa vợ. Ông xem đơn vị ta có em nào ra quân đợt này, mà phải "trong" đấy nhé! Nghĩa là chưa luyến ái, yêu đương lần nào, tư cách đạo đức tốt, thành phần gia đình cơ bản giới thiệu cho ông ấy một đám.

- Ối giời ôi! Tay trợ lý la toáng lên.

- Đối tượng tiêu chuẩn như thế thời buổi này đào đâu ra anh ơi!. "Trong" vừa vừa thì họa may còn có, chứ "trong vắt" thì ... Nhưng thôi để em nhờ tay Duân, quân y sỹ đơn kiểm tra lại hồ sơ sức khoẻ chị em, cố lo xem sao, biết đâu!

Tưởng đùa ai dè thật ông trợ lý quân lực kết hợp với tay quân y sỹ nhắm cho tôi được một em người Việt trì không đẹp lắm nhưng được cái "tốt nái", phốp pháp, khỏe mạnh, da đen giòn và quan trọng là "đạt gần được" tiêu chuẩn.

Nhưng rồi cô chiến sỹ ấy trong ngày cưới của bạn vui, nể nang uống nhiều quá say bố nó mất. thế là việc môi giới, mối lái lại hỏng bét chỉ vì "diệu", vì say. Chả hiểu sao chuyện của mình mà lại hệt chuyện của bạn mình năm nào ở nước Nga thế không biết.

Vài ngày sau tôi bay vào thành phố HCM. Nghĩ cũng lạ, chúng tôi cứ đứa trước đứa sau đi theo vết xe "đổ" của nhau trong chuyện tình duyên. Trầy trật mãi tới gần bốn sọi mới yên bề gia thất.

T/p HCM 27/11/2009



Đăng lại bài viết của Nguyễn Duy Đảo (đã đăng tại Blog "Bạn Trỗi K5”: Thứ sáu, 27 tháng mười một, 2007)




HTML Hit Counter

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Tạ Chiến cưới vợ cho con trai

Start:     Nov 26, '09 10:30a
Location:     Tại Nhà hàng NAM HẢI 424 Đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội



Trân trọng kính mời: Các bạn Trỗi
Tới dự Lễ Thành Hôn của hai con chúng tôi
Tạ Quang Dũng và Nguyễn Mai Hoan
Tổ chức vào hồi: 10 giờ 30 ngày 26 tháng 11 năm 2009. (Thứ Năm)
Tức ngày 10 tháng 10 năm Kỷ Dậu
Tại Nhà hàng NAM HẢI _424 Đường Nguyễn Trãi_Thanh Xuân_Hà Nội
Rất hân hạnh được đón tiếp !
 

 

Nhà trai
TẠ QUANG CHIẾN
NGUYỄN THỊ KHANH
Nhà gái
NGUYỄN TÂN ĐỨC
VƯƠNG THỊ LIÊN


Do điều kiện sức khỏe, Tạ Chiến không trực tiếp mang thiệp mời được từng người, mọi thông tin Tạ Chiến có nhờ BLL chuyển giúp. Mong anh em thông cảm.

Đăng lại tin của Khắc Việt K7 (đã đăng tại Blog "Út Trỗi”: Thứ hai, ngày 23 tháng mười một năm 2009)



Free Counter

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2009

Sinh viên "đi cày" - hameok6



hameok6

Hồi đầu những năm 1970, sinh viên VN ở các nước Đông Âu nói chung chưa có kiếm tiền bằng cách kinh doanh mua bán như sau này, mà chủ yếu là đi lao động chân tay khi có nhu cầu. Tụi tôi khi đó ở Đông Đức cũng vậy thôi.

Thời gian này ở Đông Đức nói chung rất khan hiếm lao động. Hồi đó tệ nạn môi trường chưa căng thẳng như bây giờ, các nhà máy của Đông Đức lại hầu hết đều sử dụng lại từ thời Thế chiến 2 nên ống khói lớn là nhà máy lớn, ống khói nhỏ là nhà máy nhỏ - “Chết đói, tìm ống khói mà đi” - Cứ thế mà tiến! Việc làm là chắc chắn có, chỉ phải xem bao nhiêu tiền mà thôi. Còn việc nặng, nhẹ - dễ, khó … không phải là vấn đề lựa chọn của sinh viên. Không có việc gì khó, chỉ sợ … ít tiền!

Tụi tôi đã tham gia chẳng thiếu việc gì: bốc xếp, quét đường, đào đất, làm gạch, làm xi măng, giết mổ heo, bồi bàn, rửa chén … đủ cả, nhưng có lẽ công việc được các sinh viên nước ngoài (không chỉ VN) ưa chuộng nhất là làm tại Khu liên hợp luyện–cán Thép. Chẳng phải công việc hay ho gì, mà vì ở đây cho phép làm 8 tiếng – nghỉ 8 tiếng – rồi lại làm 8 tiếng ngay nên rút ngắn được thời gian. Tranh thủ cuối tuần 2 ngày nghỉ là có thể làm được tới 4 ca: tối thứ 6 – chiều thứ 7 – sáng CN – tối CN. Kiếm được gấp đôi các nơi khác chỉ có 2 ca cho 2 ngày. Theo quy định, sau 4 ca như vậy là phải nghỉ ít nhất 24 tiếng mới được làm tiếp. Nhưng có lần, tôi kẹt quá, mượn giấy của thằng khác về trước “tranh thủ” luôn ca chiều CN. Vì tụi Tây nhìn VN đứa nào cũng như nhau nên đâu có biết. Còn AE mình thì: mày ham thì mày chết. Vậy là nguyên ngày CN tôi làm 3 ca liền. Đúng là … Sáng thứ 2, về đến nhà khoảng 10 giờ sáng, tôi lăn đùng ra ngủ tới 3 giờ chiều … ngày thứ 3! Không ăn uống, ỉa đái … không gì hết.

Quay lại chuyện đi cày. Khu liên hợp luyện–cán Thép Riesa, miền Nam Đông Đức là nơi “tụ họp” đầy đủ các “quần hào” sinh viên quốc tế (vì tụi Đức rất ít khi đi làm thêm) từ Châu Phi tới Nam Mỹ, từ Trung Đông tới VN, mà đông nhất là VN. Ở đây có một cái Trại (Lager) là dãy nhà chứa được tới hơn trăm thằng. Mình cứ đăng ký vô làm là được nhận 1 cái giường để ngủ trong 8 tiếng nghỉ đợi tới ca sau. Nhưng vào các ngày lễ, tết như Nô-en chẳng hạn thì phải đăng ký trước cả tháng mà có khi vẫn hết chỗ vì vào những dịp này tiền công tăng gấp đôi, trong khi có ở nhà thì cũng chẳng biết đi đâu, làm gì khi không có tiền!

Ở Trại, cứ tới giờ lên ca, ông Meister (Thợ cả) lại ra đứng đầu nhà gào lên: Mohamet Ali, Sanvaldor Tevez, Ngu-en Phan Chi, T’ran Hu Ti … đi Martinwerk 2 (xưởng đúc thép lò Mac tanh số 2)! Thế là cả bọn lục tục chạy ra tìm tên mình, nhận giấy giao việc đến xưởng có yêu cầu. Đứa đi lò đúc, thằng tới xưởng cán, bộ phận tháo dỡ khuôn … nói chung đủ cả, không thiếu khâu nào trong dây chuyền cán luyện gang thép.

Nhẹ nhất là làm ở bộ phận gom sắt vụn. Ở đây sắt vụn đã được đưa về chất thành núi. Một cái cần cẩu nam châm điện hút lên bỏ vào các “gáo” xếp dài trên mấy toa tàu lửa (“gáo” có kích thước khoảng 4m x 1m x 1m). Nhiệm vụ của tụi tôi là dùng tay “sắp xếp” các mảnh phế liệu lớn cho lọt vào từng “gáo” không nằm lưng chừng giữa 2 cái để khi đổ vào lò nấu không bị rớt ra ngoài. Nói chung là cần cẩu làm hết, mình chỉ chọc chọc vài cái cho có và hết ca thì về lãnh 25 mark đông Đức (theo giá chợ đen hồi đó là 6 mark = 1 USD). Ít tiền nhất.

Khổ nhất, nhưng cũng nhiều tiền nhất là làm ở khâu xuống vôi. Vôi được chở về trên những toa xe lửa. Mỗi toa chứa khoảng 4 tấn. Các toa vôi được đẩy đến vị trí quy định. Tại đây khi mở 2 cửa toa thì thẳng ngay phía dưới là 2 cái lỗ hầm. Chỉ việc cào một cái cho vôi rớt xuông lỗ là ok. Nhưng thực sự không “dễ ăn” chút nào. Mỗi thằng làm ở đây sẽ được trang bị 2 cái xẻng (vì có thể xẻng sẽ bị gẫy giữa chừng) có kích thước lưỡi khoảng 5 tấc x 5 tấc (chỉ công vác xẻng chắc cũng đáng 5 mark rồi!). Đồ bảo hộ thì là quần liền áo, kín mít từ trên xuống dưới và được phát thêm một cái được gọi là khẩu trang, đó là một miếng vải dài khoảng 7 tấc, rộng 15 cm bằng ka ki dầy như cái quần zin vậy! Gấp đôi lại, bít lên mũi, cột vòng ra sau gáy thấy muốn tắc thở luôn. Ấy vậy mà chỉ làm khoảng 15 phút là cảm thấy nó vẫn chưa đủ dầy, bụi vội cứ liên tục xông thẳng vào tới tận óc.

Sau khi nhận toa, mỗi toa có 2 thằng với nhiệm vụ phải xuống hết trong ca (thực chất chỉ là 7 tiếng, vì có 30 phút nghỉ giữa ca và 2 lần 15 phút đầu, cuối ca để chuẩn bị và kết thúc). Để hoàn thành công việc trong thời gian đó, kinh nghiệm của các CN chuyên nghiệp truyền lại, chỉ có một cách duy nhất đó là đứng chéo chân chèo, một tay cầm cổ xẻng, một tay cầm đầu cán rồi cào cào tận lực, nếu mỏi thì đổi tay trái qua phải, phải qua trái hay đổi chân. Vậy thôi. Không nghỉ, không nói chuyện vì sẽ không đủ thời gian. 7 tiếng 1 động tác duy nhất!

Vôi bột chứa trong toa gỗ nên hút ẩm đóng lại cứng ngắc. Mỗi lần bập xẻng xuống thấy muốn dội ngược tay lên. Đã thế, cán xẻng được làm theo kích cỡ tụi Tây, nên hơi quá với cho dân ta, nhất là mấy thằng lùn như tôi. Chỉ vài cào đã thấy mỏi tay rồi. Trong toa kín (chỉ hở cái cửa để cào xuống) bụi vôi bốc lên mù mịt, xộc thẳng vào mũi, nước mũi chẩy ra dầm dề. Những đứa chưa có kinh nghiệm vội xỉ mũi thì chỉ nửa tiếng là bắt đầu đến máu. Máu mũi cứ thế chảy ra ướt dầm khẩu trang thì không thể làm việc được. Kinh nghiệm là cứ để kệ mẹ nó. Một hồi nước mũi quện với vôi đóng cứng thành cục, khỏi chẩy! Thở bằng miệng.

Cục vôi đóng ở mũi sẽ phải để nguyên cho tới hết ca. Khi về Trại, tắm rửa sạch sẽ xong (vôi lòn vô tới tận đáy quần lót!), thay quần áo đàng hoàng rồi mới ra bồn rửa mặt xì mũi, cậy cục vôi. Lúc này máu cứ thế mà chẩy ra, chẳng có cách gì cầm được. Ngửa mặt lên trời, 2 tay cầm mấy miếng xúc xích, bánh mỳ và chai sữa (đã mua sẵn khi trên đường từ xưởng trở về) từ từ đi về giường mình nằm xuống, rồi cứ ngửa mặt lên thế mà ăn uống, Xong là ngủ luôn, không trở mình. Cho tới lúc chuẩn bị lên ca sau là hết liền. Mọi vấn đề lại trở lại như xưa!

Công việc này là khó nhất, không phải ai cũng làm được. Tôi cũng chỉ dám “liều mình” làm vài lần khi quá túng thiếu. Có thằng bạn VN cùng học với tôi, thường xuyên đi ca này, nhiều tới mức tụi Tây phải gọi nó là Meister (Thợ cả). Coi vậy nhưng lúc lãnh tiền thì thấy ham. Nếu xuống hết 2 tấn vôi /1 thằng thì sẽ nhận 50 mark. Nếu làm xong sớm chút đỉnh, còn thời gian dọn dẹp vệ sinh toa tàu và xung quanh cái lỗ xuống vôi là thêm 10 mark nữa liền.

Để các bạn tưởng tưởng ra số tiền này nhiều thế nào. Tôi xin đưa ra đây vài con số “tài chánh”: Ăn cơm sinh viên (trưa, chiều) chỉ tốn 100 mark / tháng (không có CN). Giá một túi gạo loại bình thường, 450 gram đủ cho 2 thằng ăn 1 bữa có 1,4 mark. Một ly café đen bán trên máy tự động là 0,5 mark. Nhưng một bữa nhậu bình dân (2 tới 3 thằng) tốn khoảng 100 mark. Một cái quần zin hiệu Levis giá 82 mark. Cái xe đạp Mifa (đời sau của Diamant) giá 280 mark. Xe máy Mokick thì hơn 1.200 mark chút đỉnh ….

Vậy đó, muốn “hưởng thụ” thì chỉ có “đi cày” mà thôi!

H1: Lò Máctanh ở Riesa

H2: chờ tàu ở sân ga Riesa sau 1 đợt cầy.

Đăng lại bài viết của hameok6 (đã đăng tại Blog "Bạn Trường Trỗi”: Chủ nhật, 22 tháng mười một, 2009)



Free Counter

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Chúc mừng các thầy cô giáo nhân ngày 20-11

Start:     Nov 20, '09
Location:     Blog

Xin chữ ông đồ - Tranh F.Lực

Xem:
  1. Chúc mừng Ngày Nhà giáo VN! - Bantroik5, 19/11/2009 tại Blog "Bạn Trỗi K5"
  2. "Biết thằng nào, tao cho một cái đá giầy..." - HữuThành.Nguyễn, 19/11/2009 tại Blog "Bạn Trường Trỗi"
  3. Lịch sử ngày hiến chương nhà giáo 20/11 - Út Trỗi, 20/11/2009 tại Blog "Út Trỗi"
  4. Vài mẩu chuyện nhân Ngày Nhà giáo - KQ, 20/11/2009 tại Blog "Bạn Trỗi K5"
  5. NGÀY 20/11 NĂM NAY. - dathb136, 20/11/2009 tại Blog "Út Trỗi"
  6. Chào mừng Ngày nhà giáo VN - BsHoc, 20/11/2009 tại Blog "Bạn Trỗi K5"
  7. " NHẬT KÝ QUẾ GIÁO " - N.H.QUE, 21/11/2009 tại Blog "Út Trỗi"
  8. Trở về Học viện KTQS nhân ngày Nhà giáo - KQ, 21/11/2009 tại Blog "Bạn Trỗi K5"
  9. Thăm thầy - KT, 23/11/2009 tại Blog K3



0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2009

Hội ngộ ở nhà thầy Hồng Tuyến, Vũng Tàu - Dương Minh k4

Start:     Nov 7, '09
Location:     Vũng Tàu


Dương Minh k4 

Lần hội ngộ nhân dịp giỗ mẹ thầy Tuyến thật vui và cảm động.
Theo dự kiến khoảng 15-16 người sẽ đi, trong đó có khoảng chục người thầy Tuyến đã "đặt hàng". Vì thế BLL không công bố rộng thông tin.

Hội ngộ ở nhà thầy Hồng Tuyến, Vũng Tàu 7/11/2009 Ngay chiều Thứ bảy, xác định quân số vừa đủ 3 xe, mỗi xe 4 người (kể cả cán bộ "đường lối"). Đặc biệt có cô Thục, chị Quyên và chú Thái (trung tướng, thủ trưởng cũ của thầy).

10 giờ sáng, 2 xe đầu tiên đã tới. Thấy người trong gia đình còn đang nắn nót dùng phấn kẻ lên bảng đen dòng khẩu hiệu "Nhiệt liệt chào mừng các Quí đại biểu ...". Do hạn chế về sức khoẻ, nên thầy Tuyến sửa soạn trang phục mất khá nhiều thời gian. Khi thầy xuất hiện thì vợ thầy cũng kịp kể xong câu chuyện "tiếng sét ái tình" đưa hai người đến với nhau.
11 giờ, xe thứ ba tới. Trần Lảnh, Nam Điện, Tăng Tiến trong tư thế "tay xách nách mang". Xem tiếp...

Đăng lại bài viết của Dương Minh k4 (đã đăng tại Blog K5: Thứ hai, ngày 9 tháng 11 năm 2009)

Xem bài viết:



Free Web Counter

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

Trò chơi hồi nhỏ - hameok6




Nhớ hồi nhỏ, mỗi khi trời mưa, tôi rất thích chạy đi tìm mấy dòng nước (cống rãnh gì đó) chơi. Thôi thì đủ trò, thả thuyền, vớt lá cây, khơi dòng …. Cứ tưởng tượng ra đó là một dòng sông mà tùy cơ “ứng dụng” theo mơ màng của mình. Nhưng trò hấp dẫn nhất là lấy một cục gạch hay miếng gỗ chặn đứng dòng chảy lại cho tới khi ngập ứ lền rồi bất thần rút ra cho dòng nước cuồn cuộn đổ ào xuống. Những trò chơi rất thích thú luôn luôn bị người lớn la mắng là nghịch bẩn, coi chừng cảm lạnh …. Nhưng vẫn lén chơi, tới nay vẫn ko quên!

Đó là chuyện hồi nhỏ. Nay đi đường thỉnh thoảng lại chứng kiến cái “trò chơi” này được thực hiện với mức độ của người lớn. Mỗi khi đi qua các giao lộ đông xe cộ, nhất là vào giờ cao điểm, tôi thường thấy mấy “chú” CSGT “chơi” trò này. Các “chú” ko để tín hiệu đèn xanh-đỏ bật tự động mà lại điều chỉnh bằng tay theo “lưu lượng xe chạy trên đường” (theo lời mấy “chú” là vậy). “Chú” bật đèn đỏ thật lâu, để cho dòng xe ứ đọng lại thật nhiều, rồi bất chợt bật đèn xanh cho dòng xe ào ào đổ qua trong suốt thời gian cho dòng xe ở hướng cắt ngang ứ đọng lại. Rồi lại bất chợt đổ dòng xe mới. Trò chơi thật thích thú với mấy “chú” làm dân tình đi xe cũng thấy “thích” lây vì “được” hòa mình vào đám tắc xe (một trong những “đặc sản” hiếm có trên thế giới) và ngày hôm đó chắc chắn sẽ ăn cơm thấy ngon (vì “ngày nào ko có tắc xe thì ăn cơm ko thấy ngon”). Nhưng sao chẳng thấy “người lớn” nào la mấy “chú” nhỉ?!

Nhưng “chơi” với dòng xe cộ đâu sướng bằng “chơi” với dòng nước. Mấy “bác” quản lý các hồ thủy điện “chơi” còn hay hơn nhiều. Cứ ngăn dòng sông lại, đợi tới khi lũ về tràn hồ rồi bất chợt “xả lũ”. Cả một dòng sông cuồn cuộn chảy ào ào về xuôi. Nhìn thật sướng! Mà có lẽ còn “sướng” hơn là dân ở dưới hạ lưu. Nước đột ngột dâng cao tới nóc nhà ko kịp chạy chứ nói gì tới đồ đạc. May mắn thì kịp leo lên nóc nhà đợi trực thăng tới cứu hộ. Chẳng may ko kịp thì còn khối thời gian để ngẫm nghĩ về “trò chơi” này khi sang tới thế giới bên kia.

“Người lớn” đi đâu hết cả rồi? Hay tại các “bác”, các “chú” này lớn cả rồi ko bị ai la nên “chơi” bù cho hồi nhỏ ko dám chơi vì còn phải “ngoan” cho đúng lời người lớn? Còn thằng Tôi vốn hư từ nhỏ, đã chơi chán rồi, nay ko chơi nữa mà còn thấy khó chịu với tụi “từ bé đến lớn” bây giờ mới được “chơi”? Đúng là già rồi mà còn ích kỷ!?




Đăng lại bài viết của hameok6 (đã đăng tại Blog "Bạn Trường Trỗi”: Thứ sáu, ngày 06 tháng mười một năm 2009)



Hit Counter

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>